Tình trạng xe quá tải tái ngang nhiên bùng phát tại nhiều địa phương
Qua theo dõi và phản ánh của các cơ quan thông tin, báo chí và người dân về đường dây nóng của TCĐBVN, tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại và ngày càng gia tăng, tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên một số QL, đường đô thị và đường địa phương đã tái diễn, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Tính riêng trong 2 tháng 9 - 10/2021, sau khi dịch bệnh dàn được kiểm soát, bình quân mỗi ngày có hàng chục lượt xe “Howo” cơi nới kích thước thành thùng, chở đất quá tải lưu thông trên tuyến đê Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; các xe tải, xe ben, xe đầu kéo kéo theo sơmi rơ moóc chở cát, sỏi quá tải từ các mỏ tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, lưu thông trên QL37, tỉnh Tuyên Quang; huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc; hàng trăm lượt xe tải/ngày có dấu hiệu cơi nới kích thước thành thùng, chở cát quá tải từ các mỏ cát tại xã Thụy Quỳnh, lưu thông trên QL37 qua địa bàn huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; QL21B, TP Hà Nội...
Chưa hết, tình trạng từng đoàn xe tải, xe ben cơi nới kích thước thành thùng, chở than quá tải từ các bãi than phía ngoài đê sông Đáy tại xã Khánh Phú, lưu thông trên các tuyến đường địa phương và tuyến đê sông Đáy, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình; các xe tải chở gỗ quá tải lưu thông trên các tuyến đường gần khu vực Rào Trăng, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành xe, chở hàng với kích thước, khối lượng không đúng với nội dung trong giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng giấy phép lưu hành xe giả vẫn được xuất, xếp hàng và ra khỏi các cảng, lưu thông trên QL1...
Trước thực tế này, TCĐBVN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp, chỉ đạo các Sở GTVT, các Cục Quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, bến thủy nội địa, nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp, các mỏ đá, mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng... và trên các tuyến đường có nhiều xe quá tải lưu thông, đặc biệt là vào ban đêm trong 2 tháng cuối năm để nâng cao hiệu quả công tác KTTTX.
Về vấn đề này, Tổng cục trưởng TCĐBVN Nguyễn Văn Huyện cho biết, mặc dù lực lượng chức năng các địa phương vẫn đang tăng cường kiểm soát, chốt chặn, xử lý vi phạm xe quá tải, nhưng các đối tượng vi phạm vẫn tìm mọi cách để tái diễn chở quá tải, gây hư hỏng công trình đường bộ. Thậm chí, nhiều trường hợp chở quá tải vượt 250% điều kiện cho phép, khiến nhiều tuyến đường địa phương, quốc lộ xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Nguyên nhân của tình trạng này là do các trạm KTTTX lưu động, cố định hiện nay tại các địa phương đã bộc lộ một số hạn chế, không kiểm soát được toàn bộ số xe quá tải qua trạm. Chỉ những xe mà lực lượng chức năng nghi ngờ có dấu hiệu vượt tải trọng mới được yêu cầu đưa vào trạm cân kiểm tra. Bên cạnh đó, các trạm không hoạt động thường xuyên, bị hạn chế bởi điều kiện thời tiết... nên các đối tượng vi phạm cố tình vượt trạm, chưa kể con người vẫn có thể can thiệp vào quá trình kiểm tra.
Qua tìm hiểu, hệ lụy của xe quá tải gây thiệt hại lớn về kinh tế cho xã hội và ngân sách Nhà nước do phải bỏ tiền ra để sửa chữa, xây dựng mới cầu đường. Để khắc phục các hạn chế trên, cần phải bổ sung hệ thống cân KTTTX tự động đặt trên các trục quốc lộ, cao tốc và một số đoạn đường khác có nhiều xe tải lưu thông.
Nhân rộng lắp cân tự động hạn chế con người can thiệp
Trước thực tế trên, TCĐBVN đã nghiên cứu, thiết kế phần mềm KTTTX tự động để thí điểm kiểm tra, kết quả thu được đối với những xe vi phạm làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo hình thức “phạt nguội”.
Đến nay, sau 6 tháng thí điểm, TCĐBVN đánh giá, hiệu quả đạt được lớn nhất là số xe vi phạm mức bị xử phạt đã giảm hơn 49 lần, từ 6,9% xuống còn 0,14%. Số xe vi phạm theo ngày cũng giảm từ bình quân 176 xe/ngày xuống còn 3,6 xe/ngày, mức độ vi phạm quá tải không cao, chủ yếu từ 10 - 30%, tỷ lệ xe quá tải chỉ còn khoảng 0,05%.
Đây là hệ thống cân KTTTX tự động đầu tiên của Việt Nam, có ưu điểm như kiểm soát được 100% xe lưu thông trên đường có đặt thiết bị cân, tốc độ xe lưu thông qua bàn cân từ 0 - 100 km/giờ. Dữ liệu các xe vi phạm được truyền về phần mềm kiểm soát tải trọng xe tại TCĐBVN, đơn vị quản lý, vận hành trích xuất trên QL, cao tốc và chuyển kết quả cân đối với những xe vi phạm cho lực lượng chức năng “phạt nguội”.
Về hiệu quả kinh tế, giảm khoảng 70% tổng mức đầu tư, lắp đặt cho 1 trạm KTTTX so với trạm KTTTX cố định trước đây; giảm chi phí cho việc quản lý, bảo trì, vận hành, khai thác dữ liệu và xử phạt vi phạm, giảm nhân sự vận hành, khai thác và xử phạt vi phạm; đồng thời, việc xử phạt theo hình thức này giải quyết được vấn đề là nhân viên vận hành cân và lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt không trực tiếp ra đường để dừng xe, kiểm tra và xử phạt vi phạm, tránh được tiếp xúc và va chạm với người vi phạm.
"Kết quả cân được lưu trong phần mềm bảo mật, không thể xóa, chỉnh sửa được, do đó loại bỏ tiêu cực. Cân tự động cũng sẽ đánh vào ý thức của chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện, xe chở quá tải chạy trên đường là sẽ bị phát hiện và xử phạt bất cứ khi nào. Đây là biện pháp kiểm soát hiệu quả nhất, đáp ứng mục tiêu ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng xe quá tải lưu thông trên mạng lưới đường bộ toàn quốc", ông Nguyễn Văn Huyện cho hay.
Trên cơ sở rà soát, sàng lọc, lựa chọn các vị trí lắp đặt trạm KTTTX cố định trong “Quy hoạch tổng thể Trạm KTTTX trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” kèm theo Quyết định 1885 ngày 30/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, đề án bổ sung các vị trí mới.
Đề án cũng đưa ra nguyên tắc sẽ phân kỳ đầu tư. Giai đoạn 1 từ năm 2022 - 2025 sẽ ưu tiên các đường cao tốc đang xây dựng như tuyến cao tốc Bắc Nam, các tuyến cao tốc có nhiều xe quá tải như Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Ninh Bình, Hải Phòng - Quảng Ninh. Bên cạnh đó, các đoạn quốc lộ có nhiều xe tải lưu thông, như một số đoạn QL1, QL5, QL6, QL20, QL51, QL91, đường Hồ Chí Minh…
Giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2035 sẽ triển khai trên các đoạn QL còn lại, đường cao tốc mới và các đoạn đường bộ nối khu vực cảng, kho bãi, mỏ vật liệu, mỏ quặng.
TCĐBVN trình Bộ GTVT dự thảo Thông tư quy định về quản lý và hoạt động trạm KTTTX, trong đó nội dung chính là điều chỉnh trạm KTTTX tự động và lưu động, làm cơ sở pháp lý để thực hiện. Bên cạnh đó, hoàn thiện tiêu chuẩn làm cơ sở để áp dụng lắp đặt tại các đường cửa ngõ Hà Nội và đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, đây là tiền đề để áp dụng cho các trạm KTTTX trong cả nước.