Tăng nặng 3 mức xử phạt đối với xe quá tải để răn đe

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung, tăng 3 mức phạt đối với xe quá tải vi phạm để răn đe.

Cụ thể, thay vì 5 mức xử phạt như hiện hành (từ 10 - 20%, từ 20 - 50%, từ 50 - 100%, từ 100 - 150% và trên 150%), chỉ còn 3 mức xử phạt hành vi chở quá tải gồm: Quá tải từ 10 - 20%, từ 20 - 50% và trên 50%.

Chú thích ảnh
Tăng nặng 3 mức xử phạt đối với xe quá tải để răn đe.

Dự thảo Nghị định tăng mức xử phạt từ 2 - 3 triệu đồng lên 4 - 6 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 10 - 20%. Đối với mức 2, dự thảo Nghị định tăng từ 3 - 5 triệu đồng lên 13 - 15 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20 - 50%. Đối với mức 3, dự thảo phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 50%.

Theo bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT), với mức xử phạt như dự thảo Nghị định, nếu xe tải vừa vi phạm chở quá tải ở mức cao nhất, lái xe và chủ xe có thể bị xử phạt mức phạt lên đến 140 triệu đồng.

Bộ GTVT cũng đề xuất tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về dừng, đỗ xe trên cao tốc, không nhường đường hoặc gây cản trở cho xe ưu tiên đang phát tín hiệu đi làm nhiệm vụ, tài xế không đội mũ bảo hiểm, thay đổi màu sơn xe. Việc tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi trên nhằm bảo đảm tính răn đe với hành vi vi phạm cố tình, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, Bộ GTVT còn đề xuất tăng thẩm quyền xử phạt của một số chức danh. Chẳng hạn, Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an được phạt tiền đối với các lái xe vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt lên đến 2,5 triệu đồng. Trưởng Công an cấp huyện được phạt tiền lên đến 15 triệu đồng và Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền xử phạt lên đến 37,5 triệu đồng. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Tư lệnh Cảnh sát cơ động cũng có quyền phạt tiền lên đến 75 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tình trạng xe quá tải tái bùng phát tại nhiều địa phương
Tình trạng xe quá tải tái bùng phát tại nhiều địa phương

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN-Bộ GTVT), lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, xe chở hàng quá tải bùng phát, ngang nhiên hoạt động trên nhiều tuyến đường địa phương. Chỉ trong 2 tháng 7-8, lực lượng chức năng đã sử dụng cân xách tay kiểm tra hơn hơn 22.300 phương tiện, phát hiện trên 2.800 xe vi phạm, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN