Theo Cục chăn nuôi, năm 2022 tổng đàn lợn cả nước ước tăng 12,4%, tổng đàn gia cầm tăng khoảng 5,4%, tổng đàn bò tăng khoảng 3,5% so với cùng thời điểm năm 2021; trong đó, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng trên 5 triệu tấn, trên 13 tỷ quả trứng và gần 1 triệu tấn sữa; giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi ước tính tăng từ 4% đến 4,5% so với năm 2021. Dự báo năm 2023 sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2022, ước lượng thịt hơi cung cấp cho thị trường đạt trên 7,2 triệu tấn; trứng trên 19 tỷ quả, sữa đạt trên 1,25 triệu tấn…
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, năm 2022, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở Tây Ninh đã giảm rõ rệt, chỉ xảy ra 19 ổ dịch tả lợn châu Phi chuyển từ cuối năm 2021 sang và kể từ ngày 16/02/2022 thì không xảy ra ổ dịch bệnh nào trên đàn gia súc, gia cầm. Năm 2023, Tây Ninh sẽ tập trung xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi, tạo quy trình đồng bộ từ chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý đàn vật nuôi, quản lý dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi.
Để hoạt động chăn nuôi năm 2023 đạt được hiệu quả, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y giới thiệu các doanh nghiệp có kinh nghiệm trong thực hiện các chuỗi giá trị chăn nuôi đầu tư vào Tây Ninh, nhằm từng bước nâng cao chất lượng giá trị của ngành chăn nuôi của tỉnh, tiến đến xuất khẩu.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng top đầu của cả nước (gia súc đạt hơn 1,5 triệu con, gia cầm trên 36 triệu con). Có hơn 6.500 trang trại và trên 190.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm gần 60%), có 730 cơ sở giết mổ lớn nhỏ. Theo quy hoạch thì thành phố Hà Nội có 29 cơ sở giết mổ tập trung, nhưng hiện nay chỉ mới có 11 cơ sở, đây cũng là một trong những khó khăn lớn của thành phố Hà Nội.
Trong năm 2023, thành phố Hà Nội sẽ triển khai tiêm các loại vaccine đại trà cho đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo trên 80% tổng đàn gia súc, gia cầm được phòng bệnh; đồng thời tăng cường vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường nhằm phòng, chống dịch bệnh.
Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 1.217 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 53 tỉnh, thành phố và buộc tiêu hủy gần 58 nghìn con lợn. Hiện nay có 16 tỉnh phát sinh ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày; bệnh cúm gia cầm có 48 ổ dịch, tại 22 tỉnh, thành phố (hiện nay còn 4 tỉnh phát sinh 7 ổ dịch chưa qua 21 ngày); Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò có 247 ổ dịch tại 16 tỉnh, thành phố, với 2.270 con gia súc nhiễm bệnh, đã tiêu huỷ (hiện nay còn 2 tỉnh phát sinh ổ dịch chưa qua 21 ngày)…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phùng Đức Tiến nhận định, thời gian trước và sau Tết Nguyên đán hằng năm là thời điểm nhạy cảm của ngành chăn nuôi, vì nguy cơ phát triển dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố cần tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Các tỉnh, thành đẩy mạnh tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm; đẩy mạnh phát triển các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học để hướng đến xuất khẩu. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, nhập khẩu trong khâu cung ứng các loại thuốc, vaccine thú y, hóa chất cần thiết phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ các biện pháp trong phòng, chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm, nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh xảy ra.