Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó xem công tác xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và người dân là chủ thể, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Tỉnh lồng ghép nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; gắn kết chặt chẽ chương trình xây dựng nông thôn mới với thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tập thể, liên kết sản xuất để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất hàng hóa, giúp người dân nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để phát triển kinh tế nông thôn, tận dụng sản phẩm sẵn có tại địa phương, tiêu thụ và tạo chuỗi liên kết sản xuất.
Tỉnh tập trung xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nước sạch…; tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các nguồn lực xã hội hóa, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền và người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới và đô thị văn minh tỉnh sẽ phối hợp với cấp huyện, xã theo dõi, đánh giá tiến độ thực hiện 19 tiêu chí tại các xã đăng ký đạt chuẩn; tăng cường khảo sát, đánh giá công tác nâng chất, giữ vững thành tích các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; tập trung chỉ đạo các đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hướng tới đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Năm 2020, tỉnh Vĩnh Long đã huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới được gần 740 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 146 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 389 tỷ đồng, vốn huy động trong cộng đồng dân cư trên 14,8 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn huy động khác. Tỉnh đã công nhận thêm 4 xã nông thôn mới, nâng tổng số lên 53/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh, chiếm 60,9%; đồng thời công nhận thêm 6 xã nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số lên 12/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm trên 21,8% tổng số xã nông thôn mới. Tổng số tiêu chí đạt được trên địa bàn 87 xã của tỉnh là 1.479 tiêu chí, bình quân đạt 17 tiêu chí/xã, tăng 0,7 tiêu chí so với cuối năm 2019.