Phát huy lợi thế trong xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Sau 2 năm thực hiện các đề án thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, các huyện đã tập trung khai thác lợi thế, thế mạnh của mình gắn với du lịch để chương trình lan tỏa đến các địa phương khác.

Tại hội nghị “Sơ kết 2 năm thực hiện các đề án thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu” do Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tổ chức sáng 30/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, qua 2 năm thực hiện, mặc dù thời gian thực hiện còn ngắn nhưng các huyện đã đạt được kết quả nền tảng, giá trị sản xuất tăng nhanh, thu nhập nông dân tăng cao. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc thực hiện thí điểm các huyện ở các vùng nhằm định dạng từng vùng với những nét đặc trưng thế mạnh để tổ chức sản xuất theo hướng khai thác đúng lợi thế địa phương nhằm phát triển sản xuất, kinh tế nông thôn, xây dựng thiết chế hạ tầng đồng bộ và đảm bảo môi trường, an sinh, nâng cao thu nhập cho nông dân. Các huyện đã tập trung khai thác lợi thế, thế mạnh của mình gắn với du lịch để chương trình lan tỏa đến các địa phương khác.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trên nền tảng kết quả của 2 năm qua cùng với việc khảo sát thêm một số địa phương, thời gian tới Ban chỉ đạo có hướng dẫn để đi đôi với việc tăng số xã đạt chuẩn nông thôn mới thì có những tiêu chí khung mang tính chất hướng dẫn để các huyện dựa trên lợi thế của mình có bước bứt phá mới. Từ đó góp phần xây dựng vùng nông thôn văn minh, giàu bản sắc dân tộc, một nền nông nghiệp hiện đại với chuỗi giá trị, khai thác lợi thế từng vùng và đời sống nông dân khá, tiến tới giàu có, văn minh.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), Hải Hậu (tỉnh Nam Định), Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) và Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) được chọn thí điểm xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu, làm cơ sở để Trung ương tổng kết, đánh giá và đề xuất Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Minh Tiến – Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, các huyện đã xây dựng và tự đề xuất được Bộ tiêu chí về huyện nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với điều kiện, đặc điểm nổi trội của từng địa phương. 

Chú thích ảnh
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An báo cáo tóm tắt kết quả triển khai đề án thí điểm nông thôn mới kiểu mẫu xây dựng huyện Nam Đàn về “Phát triển văn hóa gắn với du lịch”. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Các huyện đã bước đầu hình thành được các mô hình cụ thể gắn với lĩnh vực kiểu mẫu, cụ thể như: các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa ở huyện Nam Đàn; các tuyến đường kiểu mẫu cấp thôn, xã, huyện của Hải Hậu; mô hình liên kết chuỗi giá trị gắn với sản xuất theo chứng nhận và vùng sản xuất tập trung ở Xuân Lộc; mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh ở huyện Đơn Dương... 

Nhờ đó, các huyện nông thôn mới kiểu mẫu đã góp phần tiếp tục nâng cao thu nhập và giảm nghèo trên địa bàn. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của huyện Nam Đàn đạt 46 triệu đồng/người, Hải Hậu đạt 58,3 triệu đồng/người, Đơn Dương đạt 66,7 triệu đồng/người, Xuân Lộc đạt 61,6 triệu đồng/người; cao hơn đáng kể so với thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cả nước.

Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo tại 4 huyện tiếp tục giảm nhanh, thấp hơn khá nhiều so với bình quân của cả nước, như: huyện Nam Đàn còn 1,46%; huyện Hải Hậu còn 0,05%; huyện Đơn Dương còn 0,99%; huyện Xuân Lộc không còn hộ nghèo từ năm 2018, huyện chỉ còn 434 hộ nghèo bảo trợ xã hội, chiếm 0,8%. 

Chú thích ảnh
 Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo tóm tắt kết quả triển khai đề án thí điểm nông thôn mới kiểu mẫu xây dựng huyện Đơn Dương về “Ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh”. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Với nhiều tiềm năng và lợi thế về điều kiện thời tiết, khí hậu, tài nguyên đất, nước, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, tỉnh xây dựng Đơn Dương trở thành huyện nông thôn mới phát triển toàn diện và bền vững, trở thành kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.

Đến nay, huyện Đơn Dương đã có 2 vùng nông nghiệp công nghệ cao được công nhận, gần 90% diện tích đất sản xuất rau, hoa và chăn nuôi bò sữa được ứng dụng công nghệ cao, xây dựng được 35 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, 30% sản lượng nông sản trên địa bàn huyện được tiêu thụ thông qua hợp đồng. Giá trị sản xuất nông nghiệp từ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực ứng dụng công nghệ cao tăng bình quân 10%/năm. Giá trị sản xuất bình quân 1 ha canh tác đạt 220 triệu đồng/năm. 

Tuy các địa phương đã triển khai, xây dựng được các mô hình, từng bước định hình theo các nội dung kiểu mẫu, nhưng theo ông Nguyễn Minh Tiến, các mô hình còn mang tính đơn lẻ, chưa phổ biến, nhân rộng trên quy mô cấp huyện, chất lượng của các mô hình còn hạn chế, thiếu chiều sâu. Chẳng hạn như các mô hình du lịch homestay ở Nam Đàn quy mô còn nhỏ và phân tán, chưa có sự kết nối để hình thành các tour, tuyến nhằm thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Hay các mô hình liên kết chuỗi giá trị của Xuân Lộc với chuỗi cung ứng chưa gắn với bảo quản, chế biến, hiệu quả còn hạn chế, giá trị sản xuất trồng trọt mới đạt 163,8 triệu đồng/ha, chưa có sự đột phá. Dự án sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh hoặc nông nghiệp hữu cơ ở Đơn Dương mới đạt khoảng 10% diện tích canh tác, các mô hình ứng dụng công nghệ cao chỉ được 2-3 yếu tố như: giống, tưới, chăm sóc… và chủ yếu là doanh nghiệp, chưa có sự lan tỏa, đặc biệt là ở quy mô cấp nông hộ...

Trong giai đoạn 2021-2025,  ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, các huyện cần tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án đã được phê duyệt và rà soát cho phù hợp với bộ tiêu chí cấp huyện giai đoạn 2021-2025; tăng cường  tuyên truyền để nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia, vào cuộc chủ động, tích cực của người dân, các cấp, ngành, đặc biệt là cấp tỉnh.

Các địa phương chú trọng triển khai các nội dung gắn với bộ tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu để phát huy lợi thế và phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Bích Hồng (TTXVN)
Cử tri Hà Nam kiến nghị điều chỉnh một số chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Cử tri Hà Nam kiến nghị điều chỉnh một số chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Ngày 19/11, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tổ chức tiếp xúc cử tri tại các địa phương trong tỉnh để thông báo kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV và lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN