Xây dựng HTX nông nghiệp kiểu mới - Bài cuối

TÌM HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Đã qua thời “bán những thứ ta có”, mà phải sản xuất những gì người tiêu dùng cần, đó là yếu tố quan trọng và duy nhất để hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) có hướng đi phát triển bền vững.

Doanh nghiệp “khát” nông sản sạch

Tháng 6 vừa qua, một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh nông sản của thành phố Hà Nội đã có chuyến đi đến các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với mong muốn liên kết trực tiếp với các HTX, THT có khả năng cung cấp các sản phẩm nông sản sạch, an toàn. Có thể nói, đây là tín hiệu đáng mừng khi thấy rằng ở thị trường phía Bắc, nông sản vùng ĐBSCL ngày càng có khả năng mở rộng tiếp cận. “Chúng tôi có hệ thống siêu thị với hơn 20 điểm và nhà hàng tại thị trường Hà Nội, nhu cầu tiêu nông sản của vùng ĐBSCL rất lớn. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã tiếp cận được một số HTX, THT có khả năng cung ứng những mặt hàng nông sản đúng yêu cầu. Hiện nay, chúng tôi đang xem xét hồ sơ của các đơn vị này, sau đó thực hiện bước tiếp theo là ký hợp đồng, cam kết bao tiêu sản phẩm”, bà Vũ Thị Hậu, Phó Giám đốc công ty cổ phần Nhất Nam, chia sẻ.

Ông Trần Nguyễn Hồ, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi cút xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang bên mô hình nuôi cút an toàn sinh học.


Bà Hậu cho biết thêm, mặt hàng nông sản ưu tiên là sản phẩm có chứng nhận VietGAP. Trong trường hợp sản phẩm VietGAP không cung ứng đủ thì sẽ xem xét những sản phẩm nông sản chưa đạt chuẩn VietGAP nhưng được chính quyền địa phương chứng nhận sản phẩm an toàn.

Điều đáng nói, một số DN đã từng hợp tác với một số HTX, THT cung ứng nông sản sạch, cũng góp mặt trong chuyến đi xúc tiến thương mại này để tìm thêm đối tác. Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam, cho biết: “Tôi có hợp tác với một số HTX ở tỉnh Tiền Giang để cung cấp cam xoàn và chanh không hạt. Nhưng hơn một tuần nay, tôi không có cam để cung cấp cho đối tác ở Quảng Ninh và mỗi ngày bị phạt rất nặng do không làm đúng cam kết. Còn ký hợp đồng xuất qua Đài Loan sản phẩm chanh không hạt, hai chuyến đầu thì được cung cấp đầy đủ, nhưng đến chuyến thứ ba không có hàng. Do vậy, tôi rất cần được liên kết trực tiếp với HTX khác có thể đảm bảo chất lượng, số lượng nông sản cung ứng”.

Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, đối với ngành sản xuất cây ăn quả, toàn tỉnh có hơn 70.800 ha trồng cây ăn trái nhưng chỉ có trên 336 ha sản xuất theo GAP và mới có khoảng 250 ha được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. “Khó khăn là DN đòi diện tích sản xuất lớn. Chính vì vậy, khi có đơn đặt hàng nhưng diện tích sản xuất không đủ để đáp ứng cho DN”, ông Hóa nói.

Con số khiêm tốn nói trên không chỉ là thực trạng riêng của tỉnh Tiền Giang mà là thực trạng chung của các tỉnh vùng ĐBSCL. Chính vì vậy, đây cũng là khó khăn cho các DN trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản. Vì để có thể đảm bảo nguồn cung, các DN này buộc phải tìm kiếm nhiều đối tác để cung ứng một loại nông sản. Tuy nhiên, cách làm như vậy dẫn đến chất lượng nông sản và sản lượng không đồng đều.

Tất cả nằm “trong tay” nhà nông

Có thể thấy rằng, DN là “chỉ báo” của thị trường và trong quá trình chuyển đổi, xây dựng, phát triển HTX kiểu mới, ngành nông nghiệp các tỉnh vùng ĐBSCL đã thấy rõ nhu cầu, có định hướng tập trung đầu tư cho các HTX, THT sản xuất nông sản theo quy trình GAP để đáp ứng yêu cầu. Nhưng trong quá trình triển khai, những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch còn bất cập. “Hiện nay hệ thống văn bản chỉ tập trung quản lý ở khâu sản xuất và chế biến nhưng chính sách về tiêu thụ, giá cả sản phẩm an toàn được chứng nhận chưa được quan tâm. Hệ lụy kéo theo là giá sản phẩm theo tiêu chuẩn GAP chưa bán được với giá trị đúng thực chất. Bên cạnh đó là các quy định về sản xuất GAP có nhiều trở ngại so với điều kiện và tập quán sản xuất của nông dân”, ông Cao văn Hóa cho biết.

Theo ông Hóa, để tháo gỡ vấn đề này đòi hỏi cần có chính sách tuyên truyền, quảng bá để tạo chỗ đứng cho nông sản sạch trên thị trường và đồng thời cần có các chính sách khuyến khích hỗ trợ nông dân, HTX, THT sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất theo quy trình GAP.

Tuy nhiên, về bản thân HTX, THT cũng cần xác định rõ việc xây dựng thương hiệu là một yếu tố sống còn. Không thể ngồi chờ đợi những chính sách của nhà nước và DN tìm đến, rồi mới sản xuất theo hướng nông sản sạch, an toàn. Thực tế đã có những HTX, THT tự xây dựng thương hiệu và đứng vững trên thị trường. Trường hợp ông Trần Nguyễn Hồ, chủ trang trại nuôi chim cút Nguyễn Hồ (xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là một ví dụ. Khởi điểm nuôi chim cút khai thác trứng thương phẩm từ năm 2000 với vài ngàn con, đến nay trang trại của ông Hồ có khoảng 140.000 con được chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học. Với cách làm như vậy, từ năm 2013 đến nay, trang trại của ông đã xuất sang thị trường Nhật Bản 100.000 trứng/ngày.

Từ mô hình của ông Hồ, đầu năm 2015, chính quyền địa phương đã thành lập THT chăn nuôi chim cút do ông Hồ làm tổ trưởng và phụ trách bao tiêu sản phẩm cho 20 thành viên với số lượng cung cấp ra thị trường trong nước trên 100.000 trứng/ngày. Theo ông Hồ, các thành viên của THT đều thực hiện đúng quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của phía đối tác Nhật Bản do diện tích đất sản xuất nhỏ, điều kiện chuồng trại chưa đạt các tiêu chí. “THT chúng tôi xác định, dù cung ứng bất cứ thị trường nào thì sản phẩm của mình luôn phải đạt chất lượng. Nên bất cứ hộ nuôi cút nào muốn tham gia vào THT phải thực hiện đúng quy trình sản xuất do THT đề ra. Tôi nghĩ, HTX hay THT chỉ là cầu nối giúp nông dân và DN liên kết hiệu quả hơn. Sản phẩm của từng thành viên tạo ra tốt, đáp ứng yêu cầu của DN mới là yếu tố quyết định. Từ đó HTX, THT mới có thương hiệu và phát triển bền vững được”, ông Hồ nói.

Anh Đức
Xây dựng HTX nông nghiệp kiểu mới - Bài 4:
Xây dựng HTX nông nghiệp kiểu mới - Bài 4:

Trong tiến trình xây dựng hợp tác xã (HTX) kiểu mới, đầu tư nguồn nhân lực có trình độ quản trị cho HTX đóng vai trò hết sức quan trọng. Đây cũng là một trong các “rào cản” lớn nhất trong quá trình xây dựng mô hình kinh tế hợp tác theo phương thức mới ở vùng ĐBSCL.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN