Xây dựng Chương trình tổng thể về phòng vệ thương mại

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa chính thức ký Quyết định số 755/QĐ-BCT ban hành “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025”.

Chú thích ảnh
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Hùng Cá, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Theo Bộ Công Thương, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là các biện pháp được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các hiệp định thương mại tự do và pháp luật của các nước cho phép sử dụng nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu thì các biện pháp phòng vệ thương mại đang trở thành công cụ chính sách quan trọng góp phần tăng cường hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trên cơ sở đó và căn cứ Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 2903/QĐ-BCT ngày 16/8/2018 của Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình hành động của ngành công thương thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng

“Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025” (Chương trình tổng thể về phòng vệ thương mại).

Chương trình này đã tập trung nhấn mạnh việc thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam cần dựa trên việc nhận thức đầy đủ, vận dụng đúng đắn chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về các biện pháp phòng vệ thương mại; đồng thời tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật và cam kết quốc tế.

Cùng với đó, Chương trình cũng nêu rõ các cơ chế, chính sách về các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các ngành công nghiệp cần gắn liền với chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, nhất là các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trên cơ sở các quan điểm này, chương trình tổng thể về phòng vệ thương mại đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ về: xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế về phòng vệ thương mại; tăng cường thực thi các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại; nâng cao năng lực sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại cho ngành công nghiệp trong nước; nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại của các cơ quan quản lý Nhà nước; tăng cường bảo vệ lợi ích của các ngành công nghiệp để ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Các nhóm nhiệm vụ trên được cụ thể hóa thành các chương trình, hoạt động cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu chính là hỗ trợ phát triển, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc gia; tận dụng tối đa điều kiện thuận lợi của các hiệp định thương mại tự do; nâng cao năng lực sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại; ứng phó hiệu quả các vụ kiện phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước; nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại cho cán bộ, công chức, nhân viên ở cơ quan quản lý Nhà nước các cấp.

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ làm đơn vị đầu mối đôn đốc, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện Chương trình tổng thể về phòng vệ thương mại.

Uyên Hương (TTXVN)
Chủ động phòng vệ thương mại - Bài cuối: Công cụ hữu hiệu bảo vệ doanh nghiệp
Chủ động phòng vệ thương mại - Bài cuối: Công cụ hữu hiệu bảo vệ doanh nghiệp

Mặc dù phòng vệ thương mại được ví như "van an toàn" của dòng chảy hội nhập, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và sử dụng hiệu quả công cụ này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN