Chuyên gia kinh tế, TS.LS Bùi Quang Tín, CEO của Trường Doanh nhân Bizlight cho biết, khác với các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được sử dụng nhằm hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài, thì các biện pháp tự vệ lại được sử dụng nhằm giúp các ngành sản xuất nội địa thêm thời gian để điều chỉnh, tăng cường tự do hóa thương mại.
Để tránh bị bán phá giá khi hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam cần biết tận dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ mình. Ảnh: Một đơn vị sản xuất nhôm - inox trong nước
|
Nhất là gần đây, theo chuyên gia Tín, có nhiều quốc gia liên tục đưa ra các biện pháp phòng PVTM đối với sản phẩm nhập khẩu (NK) từ Việt Nam. Thống kê cho thấy, đến nay đã có 124 vụ việc PVTM của nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu (XK) của nước ta.
Biện pháp PVTM bao gồm 3 hình thức: Biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ. Sở dĩ các quốc gia này thường xuyên sử dụng công cụ phòng vệ do chính sách bảo hộ thương mại cực đoan đang được nhiều nước tận dụng, hay một số quốc gia chậm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường (theo cam kết WTO, sau ngày 31/12/2018, các nước mới không còn được mặc nhiên coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường). Vì vậy, luôn có sự khác biệt trong phương pháp tính biên độ bán phá giá, gây thiệt hại lớn cho DN Việt Nam.
Chuyên gia Tín cho rằng, điều này có thể dẫn đến hệ quả lớn vì một quốc gia tiến hành điều tra và áp thuế PVTM đối với hàng hóa XK của Việt Nam, có thể dẫn tới các quốc gia khác cũng tiến hành điều tra với sản phẩm tương tự NK từ Việt Nam. Trong khi đó, thông tin về hàng hóa của Việt Nam đến thị trường nước ngoài hạn chế; năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước yếu; công tác cập nhật, đánh giá, phân tích thị trường chưa đáp ứng yêu cầu; hiện tượng hàng hóa của nước khác di chuyển sang Việt Nam để gian lận xuất xứ, tận dụng ưu đãi thuế... khó kiểm soát.
Trước vấn đề này, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động thu thập thông tin liên quan, cùng các Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp làm việc trực tiếp với tổ chức, các bên liên quan đến điều tra PVTM để có phương án ứng phó, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã cùng với doanh nghiệp tháo gỡ 37 vụ điều tra thương mại đối với hàng hóa XK của Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thực hiện khởi xướng điều tra PVTM với hàng hóa NK vào Việt Nam...
Tuy nhiên, theo chuyên gia Tín, cùng với sự nỗ lực của cơ quan quản lý, doanh nghiệp Việt vẫn cần chủ động hợp tác với cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin liên quan đến công tác kháng kiện và khởi kiện. Đồng thời, chủ động cập nhật thông tin, đa dạng hóa thị trường XK; tiếp cận với Tham tán thương mại nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc một số thị trường nhất định.
Ảnh minh họa: Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn ngại kiện tụng và sử dụng PVTM dù hàng hóa nhập vào bán thấp hơn nội địa.
|
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên sử dụng các công cụ, biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước và phần lớn các nguyên đơn khởi kiện là các doanh nghiệp có vị trí chiếm lĩnh thị trường. Thế nhưng, hiện nay doanh nghiệp Việt ít thực hiện các công cụ này. Chuyên gia Tín cho hay, nguyên nhân là kiến thức và kinh nghiệm về PVTM của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp nên ngại tham gia các vụ kiện.
Mặt khác, do tiềm lực tài chính còn yếu nên khó đủ sức để theo các vụ kiện về PVTM. Thực tế cho thấy, trên 95% các doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, ý thức, kiến thức và kinh nghiệm của các doanh nghiệp về pháp luật trong nước và nước ngoài còn rất yếu.
Ngoài ra, tâm lý e ngại khi tham gia kiện tụng vì sợ làm lộ các bí mật kinh doanh. Vì để tiến hành khởi kiện vụ việc PVTM tại cơ quan điều tra, doanh nghiệp phải cung cấp các chứng cứ liên quan đến các số liệu kinh doanh như doanh thu, giá thành sản phẩm, mức thuế phải đóng, kế hoạch kinh doanh... nhằm chứng minh đã tồn tại hành vi bán phá giá hay trợ cấp của hàng hóa nhập khẩu.
Trong khi đó, nhiều đánh cho rằng giá cả của hàng hóa nước ngoài bán thấp hơn giá thị trường, nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại khó có khả năng để thực hiện PVTM đối với sản phẩm, hàng hóa nước ngoài. Các chuyên gia khuyến cáo, trong thời buổi hội nhập toàn cầu thì việc hiểu về PVTM và chuẩn bị cho hàng hóa XK của mình khi bị kiện cáo ở nước ngoài là rất quan trọng.
Điều này sẽ giúp doanh nghiệp đối phó, loại bỏ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhập khẩu ồ ạt gây thiệt hại đến từ hàng hóa nhập khẩu, đồng thời giúp các doanh nghiệp cùng ngành sản xuất có điều kiện liên kết, tập hợp để tạo thành khối sức mạnh nhằm đối phó với các hoạt động cạnh tranh đến từ doanh nghiệp xuất khẩu, điều mà doanh nghiệp đơn lẻ không dễ đối phó.