Xây dựng chuỗi sản phẩm tạo thế vững chãi cho xuất khẩu

Giảm bớt các khâu trung gian, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời tăng cạnh tranh trên thị trường là lợi thế của các chuỗi sản phẩm hàng hóa.

Xây dựng và phát huy các chuỗi sản phẩm chính là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao giá trị, góp phần xuất khẩu hàng hóa bền vững là nội dung được các đại biểu bàn thảo nhiều tại Hội thảo Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm - Giải pháp tăng trưởng xuất khẩu do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo Công Thương tổ chức sáng 8/8 tại Hà Nội.

Tăng trưởng ngoạn mục

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất sợi tại Công ty TNHH Dệt nhuộm Jasan Việt Nam vốn đầu tư của Trung Quốc tại khu công nghiệp Phố nối B (huyện Mỹ Hào). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng mạnh về quy mô, năng lực sản xuất hàng xuất khẩu không ngừng được mở rộng, tăng trưởng cả chiều rộng và chiều sâu. Năm 2017 là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016.

Không dừng lại ở đó, Việt Nam cũng đã thực hiện đúng lộ trình của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2020, định hướng 2030.

Đáng lưu ý, năm 2018, tình hình xuất khẩu được nhận định sẽ tiếp tục có những cơ hội để tăng trưởng khi các cam kết hội nhập được triển khai sâu rộng giúp thuế xuất nhập khẩu tiếp tục giảm sâu.

Những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thông thoáng, minh bạch; góp phần khơi thông nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh trong nước cũng sẽ tạo động lực xuất khẩu.

Tính đến hết tháng 7/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 264,32 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 133,69 tỷ USD.

Đặc biệt, xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá với mức tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mức tăng trưởng phấn đấu đạt được cho cả năm 2018, bằng 56,5% kế hoạch năm.

Theo ông Trần Thanh Hải, đây là điểm sáng trong bức tranh kinh tế với kim ngạch duy trì ở mức cao. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại khiến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cao nhưng đóng góp lại chủ yếu đến từ khu vực doanh nghiệp FDI (chiếm hơn 70%), trong khi sự tham gia của các doanh nghiệp Việt còn mờ nhạt và hạn chế.

Nguyên nhân là do chưa hình thành được các chuỗi giá trị hàng hóa xuất khẩu khiến kim ngạch xuất khẩu chưa cao như kỳ vọng.

Đồng quan điểm này, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đưa ra ví dụ như kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 15,8 tỷ USD năm 2011 lên 31 tỷ USD năm 2017, chiếm 4% kim ngạch dệt may thế giới.

Dù vậy, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay chủ yếu tham gia vào phần cắt và may trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, theo phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung cấp trọn gói nên giá trị gia tăng còn thấp.

Đặc biệt, ngành dệt may đang phải phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chỉ riêng mặt hàng vải, doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu tới 86% để phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Hoặc với nhóm hàng nông sản, Việt Nam có sản lượng nông nghiệp dẫn đầu song không thu được giá trị cao. Tuy nhiên hầu hết sản phẩm chưa chiếm lĩnh được thị trường bởi vấn đề ở khâu chế biến; trong đó, các mặt hàng nông, thủy sản vẫn đang chủ yếu xuất khẩu thô. Nếu có qua sơ chế cũng ở mức độ không đáng kể, giá trị gia tăng thấp.

Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 700 chuỗi giá trị nông sản được chứng nhận là chuỗi cung ứng nông sản an toàn, nhưng chỉ khoảng 50% chuỗi hoạt động có hiệu quả. Tỷ lệ này tạo nên một bức tranh tổng thể không mấy tích cực đối với mục tiêu phát triển chuỗi giá trị nông sản.

Ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH chè Thế hệ mới cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô rất nhỏ, không đủ tiềm lực đầu tư vùng nguyên liệu, thiết bị chế biến sâu và thiết bị đóng gói hiện đại.

Hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ là thế hệ thứ nhất, thứ 2 sau khi đất nước mở cửa gần 30 năm trước nên tầm chiến lược chưa có.

Với tư duy ngắn hạn và chủ yếu theo hướng cải thiện kinh tế gia đình,chạy theo thành tích về số lượng…chứ chưa phải là xây dựng thương hiệu.

Chính vì vậy, Nhà nước cần phải có chương trình táo bạo, mạnh mẽ đầu tư cho hướng xuất khẩu bởi thiếu công nghệ mạnh thì không thể có được sản phẩm cạnh tranh và tạo chỗ đứng vững chắc trên trường quốc tế.

Tạo liên kết chuỗi

Chú thích ảnh
Công nhân kiểm tra và đóng gói lá tía tô được trồng tại huyện Lương Tài (Bắc Ninh) trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Để hướng tới xuất khẩu bền vững, các chuyên gia khẳng định, cần xây dựng các chuỗi sản phẩm nhằm góp phần gia tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu. Để làm được điều này, mấu chốt quan trọng là phải nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu.

Cụ thể, với nhóm hàng nông sản, cần sản xuất nông nghiệp theo chuỗi thông qua các hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Đồng thời, phát triển các loại giống có năng suất cao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ vào chuỗi sản phẩm nông nghiệp, bao gồm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc hiện đại cho tất cả các khâu từ giống đến canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ.

Riêng nhóm công nghiệp chế biến, theo các chuyên gia không thể xuất khẩu bền vững nếu công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển.

Do đó, cần ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất linh kiện, dệt may, da giày… nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa. Bên cạnh khung khổ pháp lý do nhà nước ban hành, các giải pháp này chỉ có hiệu quả nếu doanh nghiệp vào cuộc.

Nhằm tạo khung khổ pháp lý để hướng tới xuất khẩu bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu; giá trị gia tăng của các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực tăng bình quân 20% so với hiện nay.

Đặc biệt, tăng dần tỷ trọng xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…; giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 8%/năm.

Với giải pháp xuyên suốt là tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp và các khung khổ pháp lý đủ mạnh, có thể kỳ vọng xuất khẩu sẽ bền vững hơn trong thời gian tới.

Uyên Hương (TTXVN)
Phát triển chuỗi sản phẩm có lợi thế cạnh tranh
Phát triển chuỗi sản phẩm có lợi thế cạnh tranh

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình đồng bộ phát triển và nâng cấp cụm ngành và chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh: điện tử và công nghệ thông tin, dệt may, chế biến lương thực thực phẩm, máy nông nghiệp, du lịch và dịch vụ liên quan (Chương trình).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN