'Xanh hóa' dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững

Tín dụng xanh được hiểu là việc các tổ chức tín dụng cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh mà không gây rủi ro đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung.

Chú thích ảnh
Nhân viên Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục cần thiết để khẩn trương giải ngân vốn vay. Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Việt/TTXVN

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững.
 
Trên thế giới, xu hướng tăng trưởng tín dụng xanh đã phát triển từ lâu với các dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch nhằm hướng đến mục tiêu là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong năm quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhiều nhất do phần lớn dân số sống ở các vùng trũng ven biển.

Ước tính, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm thu nhập quốc dân của đất nước lên tới 3,5% vào năm 2050; ảnh hưởng đến 37% dân số sống ở các vùng trũng vốn chỉ chiếm 15% diện tích đất của cả nước.

Do đó, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững như: cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc; ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; xây dựng Chiến lược, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu, là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới.

Từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản định hướng hoạt động ngân hàng vào lĩnh vực xanh, hạn chế dòng vốn vào những dự án có nguy cơ tác động xấu tới môi trường, thông qua việc Ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; ban hành Sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường và xã hội đối với 15 ngành kinh tế làm tài liệu tham khảo hữu ích cho các tổ chức tín dụng phục vụ thẩm định và ra quyết định cấp tín dụng đối với khách hàng; tham gia Mạng lưới ngân hàng bền vững để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về các chính sách phát triển bền vững trong hoạt động ngân hàng.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ hơn 71 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015, lên đến 340 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2020. Tỷ trọng tín dụng xanh so với tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng đều từ 1,55% năm 2015 lên 3,7% vào năm 2020. Tính đến cuối tháng 10/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 9,99 triệu tỷ đồng, kéo theo đó dư nợ tín dụng xanh tiếp tục gia tăng, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp xanh và năng lượng tái tạo.

Những tổ chức gắn nhiều với tín dụng xanh thời gian qua có thể kể đến như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A bank), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDbank), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A bank)...

Đại diện Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) cho biết, đã có định hướng đẩy mạnh tín dụng xanh từ năm 2019 theo chỉ đạo và định hướng chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Thời gian tới MSB sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh tín dụng xanh hướng dòng vốn tín dụng tài trợ dự án thân thiện môi trường bao gồm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Năm 2021, MSB đẩy mạnh tín dụng cho phát triển năng lượng sạch, coi đây là động lực cho tăng trưởng tài sản và cả doanh thu, lợi nhuận cho ngân hàng trong năm nay.

Theo đại diện ngân hàng này, việc hướng nguồn tín dụng vào các lĩnh vực tiềm năng an toàn như năng lượng sạch và ít rủi ro sẽ giúp ngân hàng đạt được mục tiêu, giúp chất lượng tài sản MSB nâng cao, nợ xấu được kiểm soát tốt.

Đặc biệt, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng đầu tư nước ngoài (FDI) có xu hướng chậm nhưng dòng vốn từ nguồn này chảy vào các dự án tăng trưởng xanh vẫn ghi nhận khá tích cực.

Mới đây, Tổ chức Tài chính phát triển của Pháp Proparco đã cấp khoản vay 50 triệu USD cho HDBank để phục vụ các dự án xanh nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Hay Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cũng đã cung cấp khoản cho vay dài hạn trị giá 100 triệu USD cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng xanh và bền vững tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đến nay tỷ trọng tín dụng xanh vẫn còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn và chủ yếu chỉ tập trung ở một số ngân hàng có quy mô lớn. Nguyên nhân được các chuyên gia kinh tế chỉ ra là do việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo gặp nhiều khó khăn do thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường, trong khi đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tín dụng xanh hiện tại chỉ nằm trong tay các ngân hàng lớn. Đối với hệ thống ngân hàng, tín dụng xanh ở thời điểm này vẫn rất hạn chế. Các ngân hàng nhỏ không có nguồn vốn dài hạn để có thể phục vụ các dự án lớn, lâu dài như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...

Trong một nghiên cứu, nhóm các tác giả PGS., TS. Đỗ Hoài Linh; ThS. Lê Vân Chi, ThS. Trần Đức Anh, ThS. Đặng Phong Nguyên cho rằng để triển khai thực thi có hiệu quả các chính sách tín dụng xanh, yêu cầu đặc biệt quan trọng tại mỗi quốc gia đó là xây dựng hoàn thiện một hành lang pháp lý cho hoạt động tín dụng xanh. Với một quốc gia như Việt Nam, khi hệ thống tài chính chưa mạnh và đối mặt với nhiều vấn đề môi trường, cần có một hệ thống các văn bản luật cụ thể hoạt động tín dụng xanh trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu

Thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các tổ chức tín dụng với các tiêu chuẩn cụ thể về tín dụng xanh, danh mục các ngành/lĩnh vực xanh… để áp dụng chung, thống nhất, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Qua đó, ngành ngân hàng không chỉ là kênh cung ứng vốn quan trọng nhất trong nền kinh tế, mà còn đóng vai trò “xanh hóa” dòng vốn đầu tư với việc định hướng nguồn lực tài chính vào các lĩnh vực xanh; hạn chế dòng vốn vào những dự án gây ảnh hưởng tới môi trường; tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Thùy Dương (TTXVN)
VPBank hợp tác với Proparco gia tăng nguồn tín dụng xanh và tài trợ vốn 
VPBank hợp tác với Proparco gia tăng nguồn tín dụng xanh và tài trợ vốn 

VPBank và Công ty Tài chính Proparco thuộc Cơ quan Phát triển Pháp vừa ký hợp đồng tín dụng nhằm gia tăng thêm nguồn tín dụng xanh cho các dự án thân thiện môi trường; đồng thời hỗ trợ vốn cho cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN