Ông Phùng Tiến Dũng - Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết, từ ngày 1-10/5, khu vực thượng nguồn sông Mê Công và khu vực Nam Bộ có trạng thái thời tiết phổ biến là ngày nắng, chiều tối có mưa rào và dông vài nơi. Riêng ngày 1/5 và từ ngày 4-7/5, mưa dông có xu hướng gia tăng lên diện rải rác ở khu vực này, trong cơn dông đề phòng lốc sét và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa 10 ngày đầu tháng 5 phổ biến từ 50-100 mm, riêng khu vực ven biển từ 70-120mm, có nơi cao hơn. Nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 32-35 độ C trên toàn khu vực.
Trong thời gian trên, mực nước ở thượng nguồn sông Mê Công tiếp tục biến đổi chậm. Mực nước tại trạm Kratie (Campuchia) ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2020 từ 0,5-1m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo triều. Mực nước cao nhất trong thời kỳ này tại Tân Châu là 1,4m, tại Châu Đốc 1,5m, cao hơn mức trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,3 - 0,33m.
Chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 60-65km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại có phạm vi xâm nhập mặn 35-40km; sông Hàm Luông có phạm vi xâm nhập mặn 40-50km; sông Cổ Chiên có phạm vi xâm nhập mặn 30-35km; sông Hậu có phạm vi xâm nhập mặn 32-38km; sông Cái Lớn có phạm vi xâm nhập mặn 45-50km.
Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long là cấp 1.
Theo ông Phùng Tiến Dũng, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc lớn vào dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công. Từ đầu tháng 4 đến nay, lượng dòng chảy từ thượng nguồn Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng gia tăng. Cùng thời gian này đã xuất hiện mưa ở đồng bằng Nam Bộ, góp phần làm giải nhiệt, bổ sung nguồn nước cho hoa màu, vật nuôi, làm giảm độ mặn trên các sông ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhận định trong thời gian đầu tháng 5, xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long tiếp tục giảm.
Người dân chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn cần cập nhật thường xuyên các bản tin dự báo, cảnh báo về tình trạng hạn hán thiếu nước tại địa phương; chủ động thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí và chủ động các biện pháp ứng phó với tình hình thực tế.