Xác định ưu tiên để tái cơ cấu ngành lâm nghiệp

Sáng 18/12, trong hội thảo: “Xác định ưu tiên để tái cơ cấu ngành lâm nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã chỉ ra các lĩnh vực cần được ưu tiên để tái cơ cấu ngành lâm nghiệp trong thời gian tới.

Tạo vùng nguyên liệu cung cấp gỗ

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vòng 5 năm qua, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đã tăng hơn 2 lần, từ 6 triệu mét khối năm 2009 lên khoảng 16 triệu mét khối trong năm nay. Khai thác gỗ rừng trồng tự nhiên được quản lý chặt chẽ theo hướng bền vững. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng khoảng 1,5 lần trong vòng 3 năm qua, từ 4,2 tỷ đô la năm 2011 lên 5,7 tỷ đô la năm 2013 và năm nay ước đạt 6,2 tỷ đô la...

Gỗ keo làm nguyên liệu để chế biến gỗ bóc tại một xưởng chế biến gỗ tại Bắc Kạn. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN


Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh những kết quả đạt được thì sản xuất lâm nghiệp còn nhiều tồn tại và hạn chế như: giá trị, năng suất trên 1 ha rừng trồng còn thấp; chất lượng và khả năng cạnh tranh chưa cao; tăng trưởng của ngành và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các lâm trường, công ty lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng…

Do vậy, để tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, các chuyên gia về rừng cho rằng, cần tập trung nghiên cứu tạo vùng nguyên liệu cung cấp gỗ lớn cùng với mũi nhọn đột phá bằng chọn tạo giống mới ngoại lai và bản địa, kể cả cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị, có lợi thế cạnh tranh, giảm tỷ lệ gỗ nguyên liệu nhập khẩu mới, nâng cao được giá trị gia tăng của ngành.

Theo ông Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam: “Luật Khoa học và Công nghệ được Quốc hội thông qua năm 2013 và Nghị định 08 của Chính phủ hướng dẫn thực thi luật có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nghiên cứu với nhiều giải pháp mới, phục vụ thiết thực tái cơ cấu lâm nghiệp. Cùng với việc đổi mới chính sách và thể chế trong lâm nghiệp để tạo mối liên kết trong lâm nghiệp”.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn: “Khoa học và công nghệ cũng như các nghiên cứu được áp dụng vào lĩnh vực lâm nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu của ngành nông nghiệp. Mục tiêu đặt ra là phải nâng cao chuỗi giá trị của hàng hóa lâm sản thông qua nâng cao năng suất và đảm bảo thị trường đầu ra tiêu thụ các mặt hàng lâm sản. Để làm được điều này thì các nghiên cứu và ứng dụng công nghệ khoa học đóng vai trò rất quan trọng”.

Nghiên cứu khoa học phục vụ rừng

Các đại biểu cho rằng, lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, vừa góp phần phát triển kinh tế vừa ổn định chính trị - xã hội, vì vậy mục tiêu ưu tiên nghiên cứu phải sát với thực tế.

“Nếu chúng ta chỉ làm nghiên cứu trong nước thì chắc chắn những kết quả về lâm nghiệp rất khó cho việc ứng dụng ngay vào sản xuất. Tôi sợ rằng những vấn đề chúng ta xác định bắt đầu nghiên cứu từ hôm nay chưa chắc đến năm 2020 đã đưa vào sản xuất được”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhận định.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, sản phẩm lâm nghiệp có chu kỳ dài, để tạo ra một giống mới, có khi phải mất hàng chục năm.

Do vậy, “Chúng ta phải tranh thủ tận dụng thành tựu khoa học của quốc tế để nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng vào Việt Nam. Đồng thời phải nhanh chóng chuyển giao khoa học vào sản xuất đối với những tổ chức, cơ sở sản xuất chế biến, và có những giải pháp ưu tiên để những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị và ứng dụng ngay”, ông Tuấn nói.

Còn theo ông Võ Đại Hải thì “Mục tiêu nghiên cứu áp dụng khoa học cần ưu tiên vào công nghiệp rừng và chế biến lâm sản. Trong đó, liên kết các hộ trồng rừng hướng đến nâng cao chuỗi giá trị trong chuỗi sản xuất từ sản phẩm gỗ nguyên liệu, công nghiệp chế biến đến khâu tiêu thụ….”,

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Khoát, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho biết thêm: “Phải tập trung nghiên cứu ứng dụng và phát triển hệ thống kỹ thuật thâm canh rừng và chế biến lâm sản bằng công nghệ cao, đồng thời chuyển hóa một phần rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn”.

Đồng thời, cũng theo ông Khoát, cần đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phải tăng cường khảo nghiệm mở rộng các giống mới được công nhận; sản xuất thử và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nhanh chóng và nhiều hơn các giống mới, các tiêu chuẩn, quy chuẩn đến tận chủ rừng, đặc biệt là thu hút được các doanh nghiệp cùng tham gia.

Hữu Vinh - BKT

Ngành cơ khí phục vụ tốt sản xuất nông, lâm nghiệp
Ngành cơ khí phục vụ tốt sản xuất nông, lâm nghiệp

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, ngành cơ khí của tỉnh đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều loại máy móc thiết bị phục vụ tốt yêu cầu sản xuất nông, lâm nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN