Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10:

Vinh quang doanh nhân Việt Nam

Cách đây vừa đúng 10 năm, ngày 20/9/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm làm Ngày Doanh nhân. Từ chỗ không có tên trong từ điển tiếng Việt, là đối tượng của các cuộc cải tạo công thương nghiệp, là con buôn, con phe trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, doanh nhân đã được xác lập lại vị trí của mình trong lòng dân tộc. Tiếp theo Quyết định của Chính phủ về ngày Doanh nhân, năm 2011 Đảng ta đã ra Nghị quyết về Doanh nhân; năm 2013, Quốc hội đã hiến định vai trò của doanh nhân trong Hiến pháp.

Những dũng sĩ thời bình

Doanh nghiệp - doanh nhân được xác định là lực lượng chủ lực, chủ công trong công cuộc chấn hưng đất nước. Doanh nhân đảm đương sứ mệnh Người lính thời bình.

Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội thảo Triển vọng kinh doanh 2014. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN


Nhưng 10 năm qua cũng là một chặng đường đầy gian nan của doanh nhân Việt. Sau giai đoạn 2004-2006 đầy hứng khởi, phát triển bùng nổ, thiếu căn cơ, dựa trên nguồn tín dụng dồi dào, có phần dễ dãi, đầu tư quá mức vào khu vực tài chính và bất động sản, ít chú ý tới các yếu tố nền tảng về chiến lược, quản trị, công nghệ… đã đẩy nhiều doanh nghiệp Việt vào tình trạng khó khăn khi phải đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những bất ổn về kinh tế vĩ mô trong nước vào những năm sau đó.

Hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã phải rút khỏi thị trường. Nhiều doanh nhân đã phải dừng chân trên con đường làm giàu cho mình và cho đất nước. Các doanh nghiệp còn trụ lại cũng rất khó khăn, có thời điểm 60-70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi…Nhưng cả cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiến lên phía trước, các doanh nghiệp Việt đã trưởng thành. Gần nửa triệu doanh nghiệp vẫn trụ vững, duy trì sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và đương đầu với sóng gió của hội nhập. Họ thực sự là những dũng sỹ thời bình.

Mặc dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện và quá trình hồi phục kinh tế đang bắt đầu, nhưng chặng đường sắp tới với cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục là chặng đường gian nan, vất vả. Các thế hệ doanh nhân của 3 thập kỷ qua đã góp sức cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên một thành quả quan trọng bậc nhất của công cuộc đổi mới là đưa nước ta ra khỏi tình trạng một nước nghèo, đứng vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình. Còn các thế hệ doanh nhân hiện nay và tương lai phải đảm nhận trách nhiệm là lực lượng chủ công đưa nền kinh tế đất nước phát triển tự chủ, tránh được bẫy thu nhập trung bình để đứng vào hàng ngũ các quốc gia giàu có trên thế giới. Thoát nghèo đã khó, làm giàu còn khó hơn. Đó là thách thức với sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân và cả dân tộc trong những thập kỷ tới.

Lòng yêu nước phải kết tinh vào từng sản phẩm


Để tiếp tục trụ vững và phát triển trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp, doanh nhân phải định vị lại mình, xác lập được những nền tảng và giá trị căn bản dựa trên cơ sở lợi thế cạnh tranh của đất nước và của từng doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, lòng yêu nước của doanh nhân phải kết tinh vào từng sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Việt. Doanh nhân một mặt phải có khát vọng, phải chấp nhận rủi ro, phải dấn thân. Mặt khác, phải căn cơ, bài bản hơn trong chiến lược kinh doanh, trong quản trị doanh nghiệp hướng tới chuẩn mực quốc tế để sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ Made in Viet Nam (sản xuất tại Việt Nam) có thể cạnh tranh trên nền kinh tế toàn cầu. Thời của những cơ hội kinh doanh dễ dãi đã qua đi. Chỉ có quản trị chuyên nghiệp và trách nhiệm xã hội mới bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và đó phải là con đường đi của các doanh nhân.

Để mở đường và hỗ trợ cho những nỗ lực của doanh nghiệp, đất nước đã có Ngày Doanh nhân, Đảng đã có Nghị quyết về doanh nhân, Quốc hội lần đầu tiên đã hiến định vai trò của doanh nhân trong Hiến pháp và khẳng định bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Chính phủ đang triển khai bước đột phá về hội nhập và cải cách thể chế lần thứ hai, được kỳ vọng sẽ tạo ra những tác động sâu rộng đối với môi trường kinh doanh trong thời gian tới. Mong rằng bước đột phá sẽ được tiếp nối bằng một chương trình hành động tận tâm, xuyên suốt và nhất quán từ người đứng đầu Chính phủ đến từng công chức trong bộ máy công quyền để thực sự chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp.

Về phía cộng đồng kinh doanh, VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp vừa đưa ra một bản Tuyên bố chung về Chương trình hành động góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng đội ngũ doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập với mục tiêu: Trong khoảng thời gian 5 - 10 năm tới có được 1 triệu doanh nghiệp Việt hoạt động có hiệu quả và một số doanh nhân, doanh nghiệp, sản phẩm, thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Với phương châm: “Liên kết doanh nhân Việt, sát cánh với Chính phủ, đồng hành cùng cộng đồng kinh doanh trên thế giới”, VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp sẽ phối hợp thực hiện 4 nhóm hành động quan trọng: Chung tay cùng các cơ quan Chính phủ góp phần đột phá thể chế, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế; Xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của doanh nhân; Tăng cường liên kết, xây dựng hệ thống hiệp hội doanh nghiệp vững mạnh; Nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh và xây dựng văn hóa kinh doanh đậm đà bản sắc dân tộc của doanh nhân Việt. Hy vọng, chương trình hành động này của VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp sẽ đóng góp thiết thực vào công cuộc đột phá, phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và của đất nước trong thời gian tới.

Trong thời khắc lịch sử kỷ niệm 10 năm ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương 69 năm về trước, đồng thời cũng là thời khắc của những đột phá thể chế và phát triển chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, cộng đồng doanh nhân luôn nhớ nhiệm vụ Bác giao: Đất nước phải “sánh vai các cường quốc năm châu” và “Giới công thương phải nỗ lực xây dựng nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng” . Chúng ta cũng nhớ tới khát vọng đưa đất nước trở nên giàu có của chàng thanh niên 21 tuổi Bạch Thái Bưởi, gần 120 năm trước, đã chọn con đường trở thành doanh nhân là để “làm cho Hà Nội cũng tươi đẹp như Paris”.

Hy vọng rằng các thế hệ doanh nhân hôm nay và mai sau sẽ thực hiện được mong ước của Bác Hồ và các thế hệ doanh nhân trong lịch sử. VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp xin được góp những viên gạch nhỏ trên con đường của hành trình đưa đất nước “Hóa rồng”.


TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Doanh nghiệp nắm bắt cơ hội để phát triển
Doanh nghiệp nắm bắt cơ hội để phát triển

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cả nước hiện có 485.265 doanh nghiệp đang hoạt động tuy nhiên, sự tăng trưởng về số lượng của cộng đồng doanh nghiệp đã chậm lại và sự sàng lọc doanh nghiệp đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN