Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10:

Doanh nghiệp nắm bắt cơ hội để phát triển

Sàng lọc doanh nghiệp mạnh mẽ

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cả nước hiện có 485.265 doanh nghiệp đang hoạt động tuy nhiên, sự tăng trưởng về số lượng của cộng đồng doanh nghiệp đã chậm lại và sự sàng lọc doanh nghiệp đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Tôn vinh 100 doanh nhân tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN


Đặc biệt, tình hình kinh tế khó khăn trong những năm vừa qua đã có tác động mạnh mẽ tới tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 9 tháng đầu năm, cả nước có 53.192 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 11.872 doanh nghiệp, sau thời gian tạm ngừng kinh doanh, đã trở lại hoạt động, 48.330 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc ngừng hoạt động. Số doanh nghiệp đăng ký mới giảm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể vẫn cao, cho thấy môi trường kinh doanh vẫn khó khăn.

Nhưng có một điểm sáng rất cần được lưu ý là: Qua sự sàng lọc, chất lượng của cộng đồng doanh nghiệp đã được nâng lên. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã được cải thiện, nhiều doanh nghiệp vẫn mở rộng quy mô kinh doanh trong bối cảnh khó khăn, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi (trước thuế) đã tăng từ mức 29,7% vào quý I lên 32,9% vào quý II. Niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh đang dần được khôi phục. Báo cáo khảo sát của VCCI cho thấy: Dự cảm của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh 6 tháng cuối năm 2014 và những năm tiếp theo là tốt hơn so với 6 tháng đầu năm và năm 2013.

“Đã có lúc số lượng doanh nghiệp vượt con số 700.000. Tuy nhiên, qua nhiều lần sàng lọc, số lượng doanh nghiệp đã giảm xuống nhưng chất lượng của cộng đồng doanh nghiệp đã được nâng lên đáng kể. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã được cải thiện, nhiều doanh nghiệp vẫn mở rộng quy mô kinh doanh trong bối cảnh khó khăn. Đặc biệt, trải qua khủng hoảng về kinh tế, các doanh nghiệp đã biết tự điều chỉnh lại, định vị lại chiến lược kinh doanh, chăm lo quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro, củng cố những nền tảng của phát triển vững vàng hơn”, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tin tưởng.

Nắm bắt cơ hội từ cạnh tranh và hội nhập


Cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những mục tiêu trọng tâm của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, cần quan tâm hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật theo hướng đầy đủ và đồng bộ, bảo đảm minh bạch và thuận lợi hóa môi trường kinh doanh.

Hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đang được các cơ quan soạn thảo gấp rút hoàn chỉnh để trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp vào cuối tháng này. Các doanh nghiệp đang kỳ vọng việc sửa đổi này sẽ tạo cơ hội cho hàng triệu người dân muốn tham gia kinh doanh và giảm bớt chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi rất chờ đợi các bộ luật này được sửa đổi, ban hành, sẽ tạo ra sự đột phá về thể chế, đi trước một bước trong việc quản lý doanh nghiệp. Đây là một trong 3 đột phá mà Đảng và nhà nước ta xác định là trọng tâm cần phải hướng tới”. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam cho biết.

Cùng quan điểm này, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng “Luật Doanh nghiệp sẽ cởi trói cho các doanh nghiệp trong việc tự do kinh doanh, giúp doanh nghiệp giảm bớt các chi phí khi thành lập doanh nghiệp và hoạt động. Nhưng để thực sự giúp doanh nghiệp thì Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể hơn như: ưu đãi tín dụng, đào tạo nhân lực chất lượng cao và tạo ra môi trường bình đẳng hơn giữa các thành phần doanh nghiệp”.

Theo bà Hường, mặc dù các doanh nghiệp phải vượt qua rất nhiều khó khăn để có thể trụ vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế nói chung nhưng một niềm tin vào cải cách thể chế và niềm tin vào môi trường kinh doanh thuận lợi hơn tốt đẹp hơn, vẫn còn đang ở phía trước.

Trong vòng 5 năm tới, Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập đầy đủ. Bối cảnh cạnh tranh gay gắt, buộc hàng hóa Việt Nam phải đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp Việt Nam hội tụ thêm nhiều nội lực mạnh mạnh mẽ mới có thể cạnh tranh được với các đối tác đến từ các nền kinh tế lớn.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, sắp tới nhiều Hiệp định quan trọng được ký kết. “Đây là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp của Việt Nam phát triển và tận dụng những cơ hội. Chính phủ cần có chính sách tạo thuận lợi cho sự kết nối giữa khu vực tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân trong nước để tạo những hệ tác động lan tỏa, chẳng hạn như phát triển những cụm công nghiệp...”. Bà Victoria Kwakwa - Tổng giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết.

Mới đây, phát biểu tại diễn đàn doanh nhân Việt Nam 2014, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng: Để có thể phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Bà Nguyễn Thu Phương – TGĐ Công ty CP Đầu tư Nam Dương:

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và bước đầu phát huy hiệu quả nhất định. Có thể liệt kê ở đây hàng loạt chính sách như: chính sách giãn, giảm, miễn thuế; tạo điều kiện giúp doanh nghiệp vay vốn với lãi suất có ưu đãi so với thị trường; xây dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào các dự án, chương trình của Chính phủ... Tuy nhiên, thực tế không ít chính sách hỗ trợ chưa thật sự đến với doanh nghiệp và cũng không ít giải pháp chỉ mang tính hình thức, không khả thi. Nguyên nhân theo tôi là do có chậm trễ, trì hoãn trong triển khai; thực hiện kém hiệu quả hoặc sự nhập cuộc chưa quyết liệt, thật sự toàn tâm toàn ý của ngành chức năng trong việc giúp doanh nghiệp. Ngoài ra còn có nguyên nhân khách quan khác là khả năng hấp thụ, tận dụng triệt để lối mở của chính sách Nhà nước của nhiều doanh nghiệp vẫn còn yếu kém và thụ động, còn tâm lý chờ đợi, trông chờ... .

Ông Nguyễn Hữu Toàn – GĐ Công ty TNHH nội thất Toàn Thiên Ấn:

Ngoại trừ các doanh nghiệp lớn, do nhiều lý do hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện vẫn chưa có hiểu biết nhiều, cũng như tận dụng được các chính sách hỗ trợ cũng như những nguồn vốn ưu đãi của nhà nước. Kinh tế khó khăn, đây là nhóm đối tượng dễ bị tác động nhất và do đó, chính sách vẫn chưa phát huy hết hiệu quả mong muốn. Thời gian tới khi các Hiệp định được ký kết như Hiệp định TPP, Cộng đồng kinh tế Asean... được khởi động không gian kinh tế sẽ mở hơn, lúc này các doanh nghiệp sẽ được tự do di chuyển nguồn vốn, đầu tư, lao động... . Để hạn chế thách thức, sức ép khi doanh nghiệp ngoại tận dụng chính sách thông thoáng tràn vào tôi nghĩ đã đến lúc doanh nghiệp Việt cần phải chủ động tự cứu mình bằng những giải pháp cụ thể, tầm nhàn dài hạn, cũng như xác định cho mình một chiến lược kinh doanh hợp lý, hiệu quả hơn. Theo đó, để giảm thiểu tối đa rủi ro, doanh nghiệp chỉ nên kinh doanh ở lĩnh vực thế mạnh của đơn vị mình, không kinh doanh, đầu tư tràn lan ra ngoài ngành, chạy theo xu thế...

Lê Nghĩa



Hữu Vinh

Vinh quang doanh nhân Việt Nam
Vinh quang doanh nhân Việt Nam

Cách đây vừa đúng 10 năm, ngày 20/9/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm làm Ngày Doanh nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN