Từ tháng 10/2016, giá lợn hơi bắt đầu đi xuống và sau đó có nhiều thời điểm giá phổ biến trên dưới 20.000 đồng/kg hơi, đặc biệt có lúc chỉ còn 16.000 đến 18.000 đồng/kg hơi. Có thể nói sau nhiều tháng qua, người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng như nhiều tỉnh, thành khác đã phải cam chịu cảnh "ngậm đắng nuốt cay" bởi chăn nuôi liên tục thua lỗ nặng.
Tính toán của giới chuyên môn và các chủ trang trại cho biết, với giá thành chi phí cho mỗi kg lợn hơi lên tới 34.000 đến 37.000 đồng thì giá bán lợn suốt thời gian dài dưới mức giá thành sản xuất là không thể chấp nhận được.
Giá lợn hơi tăng trở lại khiến người chăn nuôi bắt đầu vui mừng bởi có những tín hiệu lạc quan. Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN |
Tìm hiểu những địa phương chăn nuôi lợn tập trung, các điểm buôn bán kinh doanh thịt lợn tại các chợ lớn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều người dân cho biết giá lợn hơi bắt đầu tăng mạnh từ cuối tháng 12/2017, đến nay mức bán phổ biến từ khoảng 33 - 35.000 đồng/kg, tăng khoảng 7-8.000 đồng/kg so với mức giá ở thời điểm 1 tháng trước đây.
Ở mức giá này, đối với người chăn nuôi đã thu hồi được vốn và bắt đầu có lãi. Lý giải về giá lợn tăng cao, nhiều người cho rằng ở thời điểm này nhu cầu sử dụng thịt lợn nhiều nhất trong năm bởi đây là mùa cưới, hỏi, về nhà mới, xây lăng mộ, tổng kết công tác năm...., cộng với thời tiết mùa Đông ăn uống dễ dàng nên sử dụng thực phẩm cao hơn.
Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y Vĩnh Phúc, hiện nay tỉnh có 60 đến 70% số hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi, trong đó khoảng 120.000 hộ có chăn nuôi gia cầm; 70.000 hộ có chăn nuôi lợn. Tính đến nay, tổng đàn lợn của tỉnh trên 640.000 con, tăng gấp 5 lần so với năm tái lập tỉnh (năm 1997).
Chăn nuôi lợn ở Vĩnh Phúc tập trung nhiều nhất ở các huyện Lập Thạch, Sông Lô... Hiện, toàn tỉnh đã hình thành được nhiều khu chăn nuôi lợn tập trung với hàng trăm trang trại chăn nuôi quy mô lớn.
Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó đặc biệt là phát triển chăn nuôi, Vĩnh Phúc đang thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất đối với các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã (gọi chung là người sản xuất) như: Hỗ trợ giống chất lượng cao; xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi đối với người sản xuất chăn nuôi lợn quy mô thường xuyên từ 1.000 con lợn trở lên.
Áp dụng chính sách hỗ trợ đặc thù cho các dự án để xây dựng hạ tầng các khu chăn nuôi lợn. Hỗ trợ 100% chi phí quy hoạch chi tiết khu chăn nuôi lợn, bò sữa và 70% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng không quá 03 tỷ đồng/khu, quy mô tối thiểu thường xuyên mỗi khu 100 bò sữa hoặc 1.000 lợn.
Hiện nay, Vĩnh Phúc đang tiến hành rà soát thống kê cụ thể, từ đó đánh giá, phân tích, đưa ra những khuyến cáo, dự báo và đồng thời cung cấp thêm các thông tin hữu ích về chăn nuôi lợn cho nông dân.
Tỉnh cũng yêu cầu các cơ sở chăn nuôi làm tốt khâu chọn giống, nhân giống lợn có chất lượng cao; tuyên truyền cho người dân tuyệt đối không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân hình thành và phát triển các đại lý, cửa hàng bán sản phẩm thịt lợn sạch, an toàn.