Tuy nhiên, mùa khô năm 2019-2020, nhờ có bước chủ động trước và từ bài học kinh nghiệm được tích lũy nên tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp không lớn và chưa ghi nhận thiệt hại đáng kể.
Chủ động nhiều giải pháp ứng phó
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm, từ đầu mùa khô (2019-2020) đến nay, tỉnh bị ảnh hưởng bởi hai đợt xâm nhập mặn kỷ lục. Riêng trong đợt xâm nhập mặn vào đầu tháng 1/2020 đỉnh mặn tại các điểm đo dọc sông Cổ Chiên và sông Hậu đều vượt đỉnh mặn lịch sử năm 2016 từ 0,4 đến 2 phần nghìn. Trên sông Cổ Chiên, tại huyện Vũng Liêm độ mặn đạt từ 6,2 - 10 phần nghìn; trên sông Hậu, tại huyện Trà Ôn đạt từ 2 - 6,9 phần nghìn.
Ước tính, tại các huyện vùng nhiễm mặn cao như: Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình hơn 10.000 ha lúa Đông Xuân, 23.890 ha cây lâu năm thiếu nước tưới trong vòng một tuần do cống phải đóng lại để ngăn mặn. Đồng thời, 31 nhà máy nước, trạm cấp nước sạch phục vụ trên 66.200 hộ dân bị ảnh hưởng của nạn xâm nhập mặn trong khoảng 10 ngày.
Thành công trong phòng chống hạn mặn năm nay của tỉnh Vĩnh Long là tập trung tuyên truyền, thay đổi nhận thức người dân, có giải pháp ứng phó thích ứng tốt. Đồng thời, công tác dự báo, phổ biến rộng rãi thông tin về tình hình xâm nhập mặn để các tổ chức, cá nhân biết, chủ động nguồn nước sản xuất, vận hành tốt các cống, công trình thủy lợi để ngăn mặn, giữ ngọt... đã phát huy hiệu quả tích cực.
Theo đó, việc thông tin nhanh về diễn biến và dự báo hạn, mặn được tỉnh thực hiện thường xuyên thông qua hệ thống tin nhắn SMS đến 293 đầu số là lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện, xã để chỉ đạo ứng phó và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó đến trực tiếp người dân.
Tại các huyện thuộc vùng bị nhiễm mặn cao như Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít cũng thực hiện tin nhắn này. Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm Lê Văn Đôi cho biết, bên cạnh việc cấp dụng cụ đo nồng độ mặn đến 20 xã, thị trấn, huyện duy trì đo độ mặn tại các vàm sông lớn, sông chính trên địa bàn, nhất là vàm Nàng Âm giáp ranh tỉnh Trà Vinh để thông tin đến ban chỉ đạo huyện, xã và 168 trưởng ấp, khóm. Riêng tại xã Thanh Bình, thông tin bằng tin nhắn SMS được gửi đến tổ trưởng tổ nhân dân tự quản… để thông báo cho người dân chủ động phòng, chống xâm nhập mặn nhằm giảm thiểu mức thiệt hại.
Ngoài ra, từ thông tin độ mặn đo được, huyện thực hiện tốt việc vận hành các công trình thủy lợi, nước sạch, chủ động đóng, mở cống ngăn mặn, lấy nước, trữ và cấp nước ngọt hợp lý cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, tỉnh còn phát huy hiệu quả nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt, góp phần hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Vĩnh Long hiện có hệ thống công trình thủy lợi khá hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Toàn tỉnh hiện có hơn 5.000 tuyến kênh, rạch thủy lợi các loại; hơn 400 tuyến đê bao và hơn 6.000 cống, bộng các loại... Hệ thống thủy lợi của tỉnh đảm bảo năng lực tưới tiêu cho 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó khép kín chủ động tưới tiêu hơn 93% diện tích.
Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long được trung ương đầu tư những công trình thủy lợi ngăn mặn, tiếp nước ngọt có quy mô lớn phục vụ từ vài ngàn ha trở lên, như cống Nàng Âm, kênh Trà Ngoa và được hưởng lợi từ cống Cái Hóp ở tỉnh Trà Vinh. Cuối năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, đưa vào sử dụng kênh Mây Phốp - Ngã Hậu, cống Vũng Liêm và cống Tân Dinh góp phần cấp nước, ngăn mặn cho hàng chục ngàn ha đất canh tác của 2 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn. Song song đó, tỉnh đang triển khai thi công đê bao dọc sông Măng Thít và các cống lớn tại các vàm sông nối với sông Cổ Chiên, sông Măng để từng bước khép kín, chủ động ngăn mặn, trữ cấp nước ngọt cho vùng Nam sông Măng Thít.
Thích ứng chủ động
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm, khó khăn hiện nay của tỉnh là còn nhiều diện tích đất sản xuất có thể thiếu nước trong những ngày triều thấp, đóng cống ngăn mặn, phải bơm tới hỗ trợ. Các nhà máy nước, trạm cấp nước sạch bị động trong khai thác nguồn nước từ kênh, rạch vì hầu hết kênh, rạch đều hở, không trữ được nước ngọt, nước bị nhiễm mặn vẫn khai thác và sử dụng trong những ngày độ mặn sông, rạch lên cao.
Ngoài ra, vùng Nam sông Măng Thít, nhất là các vàm sông nối với sông Cổ Chiên, sông Măng Thít, sông Hậu còn hở, chưa có cống ngăn mặn nên mặn vẫn còn xâm nhập vào nội đồng. Hiện việc ngăn triều, mặn chỉ nhờ vào hệ thống đê bao ven các kênh cấp 1, cấp 2 và các cống nhỏ trên đê bao. Nhiều kênh, rạch nội đồng, trong vùng đê bao bị bồi lắng, các huyện thiếu kinh phí nạo vét (khoảng 200km kênh) nên khả năng cấp nước, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt là rất thấp. Hiện tại khả năng chỉ cấp từ 5- 10 ngày trong những ngày đóng cống ngăn mặn, nếu kéo dài từ 15- 30 ngày thì không đủ nước.
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm đời sống người dân cũng như sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt, có lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng thực hiện giải pháp công trình thủy lợi, giao thông.
Theo đó, công tác thủy lợi sẽ tính đến đầu tư xây dựng các công trình đê bao dọc theo các tuyến sông lớn, các cù lao trên sông lớn và các cống cửa sông để ngăn triều, ngăn mặn; đồng thời thực hiện các dự án thủy lợi, nước sạch tiếp nước ngọt cho vùng Nam sông Măng Thít; xây dựng các cống ở đầu kênh cấp 1, cấp 2 kết hợp nạo vét kênh, rạch để tăng cường năng lực trữ nước của các công trình thủy lợi trong mùa khô. Tỉnh xây dựng các công trình kè chống sạt lở bờ sông tại những khu vực trọng điểm và các công trình chống ngập tại các đô thị.
Tỉnh Vĩnh Long cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ thực hiện nạo vét kênh La Ghì-Trà Côn (huyện Trà Ôn) để phục vụ 30.000 ha gieo trồng với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng; thực hiện hệ thống thủy lợi Cái Cá-Mây Tức (huyện Vũng Liêm) có diện tích phục vụ 45.000 ha với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng...
Song song với các giải pháp công trình, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức trong nhân dân về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, áp dụng các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi thời vụ và áp dụng các mô hình đa dạng hóa sản xuất, sinh kế; rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thủy sản trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Trong chuyến công tác khảo sát tình hình hạn mặn tại Vĩnh Long mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao công tác triển khai các giải pháp chủ động phòng, chống, ứng phó với hạn, mặn, không để xảy ra thiệt hại đến sản xuất, dân sinh của tỉnh. Phát huy kết quả này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu tỉnh Vĩnh Long sau khi kết thúc mùa hạn năm nay cần đánh giá, tổng kết cụ thể về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trên địa bàn, cũng như các giải pháp phòng, chống. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp và các ngành liên quan có trách nhiệm tham mưu cho tỉnh điều chỉnh, hoàn thiện tái cơ cấu nông nghiệp tổng thể, biến thách thức thành cơ hội để thích ứng và chủ động với biến đối khí hậu.