Hạn mặn, thiên tai chưa gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp An Giang

“Hạn mặn, thiên tai chưa gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân An Giang". Đây là đánh giá của ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại buổi làm việc với UBND tỉnh An Giang về công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2020 vào chiều ngày 24/2.

Chú thích ảnh
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đứng thứ 2 từ bên phải qua) cùng đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng tại núi Phú Cường, huyện Tịnh Biên. 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hiện mực nước cao nhất trên sông, kênh trên địa bàn An Giang đang ở mức xấp xỉ và thấp hơn năm 2016 từ 5cm đến 25cm; mực nước thấp nhất trên các sông, kênh ở mức thấp hơn năm 2016 từ 5cm đến 35 cm. Do đó vào thời điểm mực nước xuống thấp sẽ khó khăn cho công tác bơm tưới cho sản xuất và sinh hoạt, làm gia tăng chi phí bơm tưới phục vụ sản xuất; đối với nuôi trồng thủy sản mực nước thấp, lưu tốc dòng chảy nhỏ làm hàm lượng ôxy trong nước thấp, nhiệt độ tăng gây ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, thủy sản có thể chết ở những lòng bè nuôi mật độ dày.

Theo số liệu quan trắc độ mặn tại 8 trạm đo ở 2 huyện Tri Tôn và Thoại Sơn tại khu vực giáp ranh tỉnh Kiên Giang, thì độ mặn ở mức 0,1 đến 0,2‰, nên chưa ảnh hưởng lớn đến sản xuất và dân sinh. Tuy nhiên, do tình hình mực nước trên các kênh, rạch trên địa bàn tỉnh An Giang xuống thấp kèm theo nắng nóng, gây khó khăn công tác bơm tưới, làm tăng chi phí bơm tưới, có khả năng ảnh hưởng đến diện tích 9.361 ha. Trong đó, vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên có khoảng 5.000 ha bị ảnh hưởng và vùng đồng bằng ở các huyện Phú Tân, Châu Đốc, Tân Châu có khoảng hơn 4.200 ha bị ảnh hưởng.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh An Giang, trong trường hợp mặn từ tỉnh Kiên Giang xâm nhập vào sâu trong nội đồng, An Giang có khả năng có hơn 9.300 ha sản xuất nông nghiệp của 2 huyện Tri Tôn và Thoại Sơn bị ảnh hưởng; trong đó, diện tích Tri Tôn bị ảnh hưởng là hơn 3.000 ha và huyện Thoại Sơn là trên 6.200 ha. Trong điều kiện mùa mưa kết thúc sớm, nắng nóng, không có mưa, tỉnh An Giang hiện cũng đang đối mặt với nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn trong mùa khô là rất cao; đặc biệt là các khu vực rừng tràm, các khu vực du lịch đồi núi tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy rừng cao trong mùa du lịch. Hiện tỉnh An Giang khoanh vùng diện tích trọng điểm cháy rừng là 7.286/16.868 ha, chiếm 43,2% tổng diện tích rừng. Hiện nay hầu hết các diện tích rừng trên địa bàn toàn tỉnh đều đang ở cấp cháy rừng là cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp V).

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang phát biểu tại buổi làm việc. 

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang: Hiện tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn, xâm nhập mặn theo tinh thần phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động phòng, chống hạn mặn. UBND tỉnh và ngành nông nghiệp cũng đã có 4 đợt kiểm tra ở 11/11 các huyện, thị, thành về công tác chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trước và sau Tết Nguyên đán; thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt ở các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn để có giải pháp khắc phục kịp thời.

"Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cũng thực hiện chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cạn ít sử dụng nước ở các khu vực nguồn nước không đảm bảo trồng lúa, sử dụng nước tiết kiệm; đến nay tỉnh An Giang đã thực hiện chuyển đổi được 17.258 ha", ông Lâm thông tin thêm.

Để phòng, chống hạn mặn, cháy rừng trên địa bàn An Giang, ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, thời gian qua, tỉnh An Giang đã phối hợp với tỉnh Kiên Giang vận hành hệ thống thủy lợi trong vùng Tứ giác Long Xuyên, đặc biệt các cống vùng ven biển tỉnh Kiên Giang phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng (An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ). Để chủ động trong công tác bảo vệ rừng phòng cháy chữa cháy rừng, đến nay, tỉnh An Giang đã triển khai 37/37 phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn các huyện, xã có rừng và lực lượng kiểm lâm kết hợp các xã có rừng tuyên truyền giáo dục người dân về các nội dung phòng cháy chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng...

Để ứng phó với tình hình thiếu nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp năm 2020, đặc biệt là vụ Đông Xuân 2019 - 2020 và Hè Thu năm 2020 và thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng, tại buổi làm việc UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tham mưu Thủ tướng Chính phủ sớm hỗ trợ An Giang nguồn kinh phí phòng, chống hạn, mặn năm 2020 để thực hiện các công trình nạo vét kênh mương, nạo vét khơi thông cống bọng tạo nguồn nước, đấu nối hệ thống cấp nước sinh hoạt, chi phí bơm vượt định mức phục vụ sản xuất, dân sinh và phòng cháy chữa cháy rừng...

Về lâu dài, xem xét hỗ trợ tỉnh An Giang thực hiện các dự án hồ chứa nước quy mô nhỏ dưới chân núi Phú Cường, diện tích 10 ha, dung tích 240.000m để tích trữ nước nhằm phục vụ sinh kế, sinh hoạt cho người dân ven chân núi và phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên núi Phú Cường thường xuyên xảy ra các vụ cháy hằng năm. Giai đoạn 2021-2025, An Giang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, phân bổ kinh phí để thực hiện các dự án về bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, thiết bị chữa cháy rừng đồi núi như thiết bị bay điều khiển từ xa (drone),...

Chú thích ảnh
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi làm việc. 

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý, năm 2020 là năm thời tiết diễn biến khá khắc nghiệt khi nắng nóng hơn so với năm 2016 và không chỉ An Giang mà cả nước có hàng triệu hecta rừng đang đứng trước báo động cháy khá cao. Riêng tại rừng vùng Bảy Núi ở An Giang nhiệt độ đang lên cao từ 35-36 độ C vào buổi trưa, cây lá khô hanh nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất là cao.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá cao tỉnh An Giang thời gian qua đã có bước chuẩn bị sẵn sàng các hồ, đập thủy lợi để chứa nước trong mùa khô cả đồi núi và dưới đồng bằng vừa kết hợp cho mục đích sản xuất nông nghiệp cho người dân và công tác phòng chống cháy rừng để mang lại hiệu quả. Tuy nhiên do số lượng hồ, đập chứa nước trên địa bàn tỉnh An Giang hiện nay đang hoạt động chưa nhiều, nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kiến nghị với Trung ương ưu tiên nguồn vốn cho An Giang sớm đầu tư những hồ, đập chứa nước phục vụ những nơi trọng điểm đồi núi ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đang trong thời điểm báo động cháy rừng cao.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu tỉnh An Giang cần tập trung các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” trước tình hình hạn hán diễn ra gay gắt hiện nay; đảm bảo chủ động về nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ phòng chống cháy rừng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại những khu vực trọng điểm cháy rừng, từng bước hoàn thiện hệ thống hồ chứa nước phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng và có hướng đảm bảo sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng.

Chú thích ảnh
 Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đoàn công tác khảo sát các hồ chứa nước chống cháy rừng tại núi Phú Cường huyện Tịnh Biên. 

Riêng về tình hình hạn mặn, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh: Hạn mặn, thiên tai chưa gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân An Giang và đánh giá cao tỉnh An Giang hiện đang chủ động kiểm soát hạn mặn và phòng chống thiên tai rất tốt. Tuy nhiên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng lưu ý An Giang sẽ đối mặt với độ mặn cao hơn trong mùa khô này vào cuối tháng 3 nên ngành nông nghiệp An Giang cần có biện pháp phòng, chống hạn mặn tránh gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng lưu ý về lâu dài An Giang cần chuyển đối cơ cấu cây trồng, chuyển từ trồng lúa sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao trước diễn biến bất lợi của thời tiết..

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cùng đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại núi Phú Cường, huyện Tịnh Biên và khảo sát các hồ chứa nước tại núi Phú Cường, huyện Tịnh Biên trong mùa khô phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống cháy rừng.

Tin, ảnh: Thanh Sang (TTXVN)
Chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn mặn
Chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn mặn

Độ mặn trên các sông Nam Bộ có xu thế tăng dần và đạt mức cao nhất vào ngày 23-25/2/2020 do ảnh hưởng của triều cường. Từ ngày 26 -29/2, độ mặn trên các sông ở Nam Bộ có xu hướng giảm dần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN