Tại Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Philippines, các ca bệnh được ghi nhận trung bình hằng ngày hiện thấp hơn một nửa so với mức đầu tháng 9, thời điểm nhiều quốc gia phải hứng chịu một làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Việc các trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á hoạt động trở lại trong những tuần gần đây được cho là đã giúp thu hẹp ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng cũng như doanh số bán hàng của các thương hiệu lớn.
Số ca nhiễm giảm cùng với việc nới lỏng hạn chế với các nhà máy là yếu tố chính giúp giảm bớt tình trạng chậm trễ nguồn cung, dù các vấn đề như thiếu lao động có thể khiến hoạt động sản xuất mất tới vài tuần, thậm chí vài tháng, để khôi phục hoàn toàn. Việt Nam đã nới lỏng đáng kể các hạn chế từ đầu tháng 10 để các nhà máy có thể dần hoạt động trở lại. Các nhà máy ở Malaysia phần lớn cũng đã mở cửa trở lại, sau khi chính phủ áp dụng các chính sách mới vào tháng 8, cho phép các nhà sản xuất có tỷ lệ lao động được tiêm phòng cao dần trở lại sản xuất bình thường.
Giám đốc điều hành của Apple Tim Cook cho rằng dù tình trạng gián đoạn do COVID-19 ở Đông Nam Á ảnh hưởng tới nguồn cung ứng của công ty trong quý gần đây nhất, song tình hình đã “cải thiện trong suốt tháng 10 để đạt được vị trí hiện tại”. Ông Cook thừa nhận rằng bất chấp những cải thiện, tình hình vẫn không thể đoán trước được.
Đông Nam Á không nằm ngoài sự tác động của những khó khăn trên và tình hình diễn biến khó đoán cũng gây những rủi ro cho các nhà sản xuất trong khu vực trong tương lai. Theo trang Our World in Data, sự khác biệt trong tiếp cận vaccine có nghĩa là một số quốc gia trong khu vực, như Việt Nam, Indonesia và Philippines, chỉ mới tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 1/4 dân số.
Ngược lại, những nước khác như Malaysia, Singapore và Campuchia ở mức hơn 70%. Một vấn đề khác là tình trạng thiếu lao động và việc đưa công nhân trở lại nhà máy. Theo ông Peter Mumford, Giám đốc Đông Nam Á của Eurasia Group, tình trạng thiếu lao động có thể vẫn sẽ trì hoãn sự phục hồi hoàn toàn trong vài tháng.