Tại hội nghị này, Cục Hàng hải Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải giao làm Trưởng Nhóm MTWG Việt Nam. Theo cơ chế luân phiên của ASEAN, Cục Hàng hải Việt Nam đóng vai trò chủ trì hội nghị quan trọng này.
Lãnh đạo Cục Hàng Hải Việt Nam cho hay, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Hội nghị MTWG lần thứ 42 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Thành phần tham dự bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), các đối tác đối thoại và các hiệp hội khu vực của ASEAN.
Tại hội nghị lần này, Nhóm công tác MTWG ASEAN sẽ tiếp tục thảo luận việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược giao thông vận tải Kuala Lumpur 2016-2025, các sáng kiến mới trong lĩnh vực giao thông hàng hải, tiến độ thực hiện kế hoạch hành động 2022-2023, hợp tác với IMO, các đối tác đối thoại và các hiệp hội khu vực của ASEAN.
Trước đó, Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì 4 hội nghị của MTWG trong nhiệm kỳ hai năm từ 2008-2009 tổ chức tại Việt Nam, gồm: Hội nghị MTWG 15 tại Hà Nội, Hội nghị MTWG 16 tại Nha Trang, Hội nghị MTWG 17 tại Huế và Hội nghị MTWG 18 tại Tp Hồ Chí Minh. Việc tổ chức, chuẩn bị nội dung và kỹ năng điều hành hội nghị phía Việt Nam đã nhận được sự đánh giá cao của các đồng nghiệp quốc tế.
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN (7/1995), hàng hải là một trong những lĩnh vực hợp tác sâu rộng của Việt Nam trong ASEAN.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải biển giữa các nước, tính đến nay, Việt Nam đã ký kết Hiệp định hàng hải, vận tải biển song phương với 7 quốc gia thuộc ASEAN là Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Brunei và Myanmar.
Việt Nam cũng ký kết Thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên theo Công ước STCW 1978 với 6 quốc gia trong khu vực là: Singapore, Indonesia, Malaysia, Brunei, Myanmar và Thái Lan.
"Cục Hàng hải Việt Nam cũng tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; đồng thời, đã phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2019-2020; tiếp tục triển khai các hợp tác trong ASEAN trong các lĩnh vực: môi trường, kiểm tra nhà nước tại cảng biển (PSC), nâng cao năng lực cảng biển trong khu vực, nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn trong khu vực...", đại diện Cục Hàng Hải Việt Nam thông tin.
Điểm sáng trong thúc đẩy hợp tác hàng hải, hoạt động giao thương hàng hóa bằng đường biển giữa Việt Nam với các nước trong ASEAN và quốc tế phải kể đến chính là nỗ lực duy trì được chuỗi cảng biển an toàn trước đại dịch.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp là Bộ Giao thông Vận tải, với vai trò quản lý chuyên ngành, Cục Hàng hải Việt Nam đã chủ động thực hiện/phối hợp triển khai hàng loạt giải pháp: "3 tại chỗ" tại cảng biển, lên phương án điều phối hàng hóa trong hệ thống cảng biển, tránh tình trạng ùn tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine cho lao động hàng hải…
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam cho hay, suốt thời gian diễn ra dịch bệnh, Việt Nam đã tạo dựng được một hệ thống cảng xanh đảm bảo cho tàu thuyền hoạt động 24/7, thời gian tàu đợi cầu rất nhỏ. Trong khi thị trường quốc tế nhiều cảng bị đóng cửa, tắc nghẽn, hệ thống cảng biển của chúng ta vẫn hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu tăng cao.
Minh chứng là khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam năm 2021 đạt hơn 706 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020; trong đó khối lượng hàng hóa container đạt 24 triệu TEUs, tăng 7%. Hai tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt gần 117 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, sự hợp tác sâu rộng của Việt Nam trong ASEAN những năm qua không chỉ giúp hoạt động vận tải biển dễ dàng hơn mà còn mở "cửa sáng" cho thị trường thuyền viên Việt Nam.
Sau khi thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền viên giữa Việt Nam và một số nước được ký kết, các nước sẽ công nhận chương trình đào tạo của Việt Nam và ngược lại. Thuyền viên Việt Nam có thể đi tàu treo cờ nước bạn mà không phải trải qua chương trình đào tạo lại.
Việc "số hóa" thủ tục hành chính cũng được đẩy mạnh kể từ ngày Việt Nam gia nhập ASEAN. Khoảng 10 năm trước, tàu, thuyền muốn cập cảng làm hàng phải mất tới 2 - 3 ngày để nhân viên mang hồ sơ đến từng cửa cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển làm thủ tục.
Từ 6 - 7 năm trở lại đây, với việc áp dụng khai báo thông tin trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia, tất cả thủ tục, giấy tờ hãng tàu phải hoàn thiện trước khi vào cảng Việt Nam hay cảng thuộc các nước ASEAN đều được gửi, kiểm duyệt và trả kết quả trên phương tiện điện tử với một mẫu chung. Đơn vị thời gian từ tính bằng ngày, hiện chỉ còn 20 - 30 phút.
Hội nghị MTWG được 10 nước ASEAN luân phiên đăng cai chủ trì tổ chức 2 năm/lần. Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức MTWG giai đoạn 2022 - 2023 với hai cuộc họp/năm.