Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhất toàn cầu

Tại tọa đàm xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không do VCCI tổ chức chiều 16/5, nhiều đại biểu cho rằng, dư địa phát triển của ngành hàng không Việt Nam còn rất lớn nên cần có những chính sách đầu tư thích đáng để phát triển, nâng cao tính cạnh tranh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo thống kê quốc tế, hàng không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cứ 1% tăng trưởng của hàng không sẽ tương ứng với 0,4 - 0,5% tăng trưởng GDP. Ở Việt Nam, những năm gần đây ngành hàng không đều tăng trưởng bình quân 14 -15%, tương ứng với mức tăng GDP 6,8 -7%/năm. Từ một loại phương tiện giao thông chỉ dành cho giới doanh nhân hay những người dân có thu nhập cao, hiện nay, hàng không đã trở nên thông dụng, cơ hội đi máy bay mở cửa với tất cả người dân.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự tọa đàm

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035. Còn ở trong nước, tỉ lệ người dân đi máy bay của Việt Nam đang tăng nhanh. Với dân số gần 100 triệu người, hàng không nội địa Việt Nam được IATA dự báo sẽ tăng trung bình 15%/năm trong thời gian tới.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Hồ Quốc Cường, Trưởng phòng vận tải Hàng không, Cục hàng không Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn 5 năm trở lại (2014 - 2018) thị trường hàng không chứng kiến sự tăng trưởng cao về số lượng hành khách và hàng hoá.

“Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhất toàn cầu trong một thập kỉ trở lại đây với sự tăng trưởng doanh thu trung bình là 17,4%, cao hơn 2 lần so với mức 7,9% của toàn châu Á. Điều này thể hiện nhu cầu của vận tải hàng không rất cao của thị trường nội địa Việt Nam cũng như nhu cầu từ thị trường quốc tế đến Việt Nam”, ông Cường cho hay.

Các chuyên gia hàng không nhận định, ngành hàng không Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển và đóng vai trò quan trọng nên cần nhìn nhận rõ vị trí, vai trò của ngành này trong nền kinh tế để thúc đẩy ngành không phát triển mạnh mẽ, bền vững, trở thành động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển. Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, Chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam nhận định: “Việt Nam chỉ là một trạm trung chuyển để gom khách sang Singapore. Việt Nam cần có sân bay quốc tế tầm cỡ".

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội, Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội lại cho rằng, cần một thể chế đầy đủ, đồng bộ, minh bạch, tạo sự thông thoáng, sân chơi “hay” và trong đó luật chơi phải tiếp cận quốc tế, phù hợp với quy hoạch chung.

Phúc Lâm/Báo Tin tức
Các hãng hàng không tìm giải pháp thay thế đồ nhựa dùng một lần
Các hãng hàng không tìm giải pháp thay thế đồ nhựa dùng một lần

Trong vòng 5 năm tới, các hãng hàng không nên đi đầu trong việc tự nguyện loại bỏ đồ dùng nhựa sử dụng một lần. Tuyên bố trên được Giám đốc điều hành (CEO) hãng hàng không Hi Fly của Bồ Đào Nha đưa ra ngày 16/5 tại một diễn đàn bàn về các giải pháp thay thế các đồ dùng bằng nhựa phục vụ trên các chuyến bay thương mại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN