Việt Nam đứng đầu danh sách các nước lạc quan về TPP

Khi Quyền Thúc đẩy Thương mại (TPA) hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh giúp Tổng thống Barack Obama sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) còn đang chật vật tại Quốc hội Mỹ, thì kết quả thăm dò mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy: Mỹ là nước gần cuối cùng trong danh sách các nước tham gia TPP xét về mức độ ủng hộ của người dân đối với Hiệp định này. Ngay trong nội bộ Mỹ cũng có sự khác biệt.

Nghiên cứu được thực hiện tại 9 nước thành viên sáng lập, thành viên đàm phán của TPP, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5/2014. Kết quả cho thấy, 49% người Mỹ được hỏi cho rằng TPP mang lại hiệu quả “tích cực”; 29% đánh giá tiêu cực; 12% nói rằng chưa có đủ thông tin để đưa ra nhận định và 9% không trả lời câu hỏi. Nhìn chung, người dân Mỹ tỏ ra lạc quan với TPP.

Mức độ ủng hộ của người dân các nước tham gia TPP đối với Hiệp định này. Ghi chú: Tỉ lệ 'không có đủ thông tin', 'không trả lời' không được thể hiện trong bảng. Ảnh: Pewresearh.org


Tuy nhiên, tỉ lệ ủng hộ đối với Hiệp định tự do thương mại này ở các nước thành viên khác cao hơn nhiều. Đứng đầu là Việt Nam, với 89% đánh giá TPP mang lại kết quả tích cực, tiếp đó là Peru (70%), Chile (67%), Mexico (61%), Nhật Bản (53%), Australia (52%), Canada (52%). Áp chót là Malaysia (38%), nhưng có nguyên do là 31% số người được hỏi cho biết họ không có đủ thông tin để đưa ra câu trả lời.

Ngay trong nội bộ nước Mỹ, mức độ hưởng ứng cũng có sự khác biệt. Dưới góc độ chính trị, tỉ lệ những người theo đảng Dân chủ cao hơn (51% ủng hộ) so với đảng Cộng hòa (43%). Còn những người theo quan điểm độc lập thì ở mức độ cân bằng (50%). Theo độ tuổi, người trẻ có tỉ lệ ủng hộ cao hơn (61%) so với người già (41%). Về giới tính, nam giới là những người đánh giá “tích  cực” đối với TPP hơn là nữ giới. Thế nhưng kết quả không có nhiều khác biệt khi xét đến yếu tố giàu – nghèo, học vấn cao – thấp.

TPP được ký kết ngày 3/6/2005, với 4 nước thành viên sáng lập là Brunei, Chile, New Zealand và Singapore. Quá trình đàm phán sau này được mở rộng thêm và hiện nay có 12 nước tham gia, với 8 nước mới là Mỹ, Australia, Peru, Việt Nam, Malaysia, Mexico, Canada, Nhật Bản.
Hoài Thanh (Theo pewresearch.org)
Ngoại trưởng Kerry: TPP mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế Mỹ
Ngoại trưởng Kerry: TPP mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có bài phát biểu quan trọng về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi tới thăm trụ sở Tập đoàn sản xuất máy bay nổi tiếng Boeing tại Seatle, bang Washington.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN