Hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN |
Tờ "Financial Times" (Thời báo Tài chính) của Anh có bài viết nhận định như vậy khi đề cập đến nhóm thị trường mới nổi gồm Hungary, CH Séc, Romania, Ba Lan và Việt Nam.
Theo báo trên, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng trong năm 2014 cao hơn mức tăng trưởng trung bình trong 5 năm qua.
Trong khoảng thời gian từ 2008-2014, kinh tế Việt Nam tăng trưởng gần 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), gấp đôi mức tăng của Ba Lan, trong khi kinh tế các nước Romania, CH Séc và Hungary gần như "giậm chân tại chỗ" trong khoảng thời gian này.
Bài viết cũng dẫn dự báo của hãng khảo sát Consensus Economics cho rằng Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 6,1% trong năm nay và 6,2% trong năm 2016. Trước đó, chính phủ đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng cho cả năm 2015 là 6,2%, tuy nhiên tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,4%.
Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong hai năm 2015 và 2016 sẽ lần lượt là 6,5% và 6,6%.
Trả lời "Financial Times", ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc quỹ đầu tư Dragon Capital, tỏ ra lạc quan hơn khi đánh giá Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 6,5% trong năm nay và gần 7% vào năm sau.
Sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử tại khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Phúc). Ảnh: Danh Lam - TTXVN |
Bài viết cho rằng yếu tố giúp Việt Nam đạt được thành quả trên là nhờ nguồn lao động giá rẻ sau khi các nhà đầu tư (tại Trung Quốc) muốn chuyển hoạt động sản xuất sản phẩm giá rẻ sang những nước khác, chủ yếu là tại châu Á.
Thêm vào đó, Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố số liệu trong tháng 9/2015 ghi nhận việc xuất khẩu của khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt hơn 72,35 tỷ USD, chiếm 67,9% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm.
Các mặt hàng xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm chủ yếu là điện thoại và linh kiện, đạt 20,18 tỷ USD, tiếp theo là hàng dệt may, các sản phẩm điện tử và linh kiện. Việt Nam cũng là một trong số ít những nước hưởng lợi từ động thái phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, ông Scriven nhận định, do điều này giúp sản phẩm nước này nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn.
Một trong các yếu tố khác khiến Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là nhờ một số biện pháp cải cách trong đó đặc biệt phải kể đến tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, bài viết cho rằng thị trường Việt Nam vẫn tiềm ẩn một số rủi ro như chính sách tiền tệ lỏng lẻo, dẫn đến sự bùng nổ vốn vay cho các dự án chất lượng kém, làm lạm phát tăng cao. Bênh cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn với tỷ lệ nợ xấu lên đến 15% GDP.