Sáng 26/12, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP với chủ đề “Tận dụng ưu thế của người đi đầu” theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Hội nghị do Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương và Tạp chí Công Thương phối hợp tổ chức.
Theo thống kê, sau 3 năm thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường CPTPP và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020.
Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,5 tỷ USD, tăng khoảng 37,6 % so với năm 2020. Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CTPPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 43 tỷ USD, tăng khoảng 16,26% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất nhập khẩu sang thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có FTA trước đó gồm Canada và Mexico đã có kim ngạch tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Canada đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Mexico đạt khoảng 4,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian vừa qua, bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp. Trong thương mại quốc tế, xu hướng bảo hộ mậu dịch đã nổi lên ở một số nước và khu vực, thậm chí ngay tại những quốc gia có truyền thống ủng hộ tự do hóa thương mại. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước kiên định thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế mà kết quả rõ rệt nhất là việc gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, Hiệp định CPTPP là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, với những cam kết sâu rộng, trải dài trên nhiều lĩnh vực.
“Tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng ta đã xác định; hỗ trợ tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời giúp ta có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến”-ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.
Theo đại diện Bộ Công Thương, để có kết quả tích cực như trên, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp. Trong đó, đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định CPTPP; tăng cường phổ biến, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tích cực trao đổi với các nước thành viên CPTPP để kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và với các nước thành viên trong trao đổi về việc mở rộng Hiệp định CPTPP khi thời gian gần đây, một số nền kinh tế đã chính thức nộp đơn xin gia nhập bao gồm: Vương quốc Anh, Trung Quốc, Ecuador, Costa Rica và Uruguay…
Qua 3 năm thực thi, mặc dù những số liệu nêu trên đã cho thấy những kết quả tích cực mà Hiệp định CPTPP mang lại, tuy nhiên, vẫn còn một số điểm mà nếu khắc phục được thì khả năng tận dụng Hiệp định CPTPP của các doanh nghiệp Việt sẽ còn tốt hơn nữa.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam sang thị trường các nước đối tác CPTPP có tỷ lệ tận dụng là tích cực nhưng giá trị mặt hàng còn khiêm tốn, tỷ lệ thị phần tại các thị trường này chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam. Cơ hội tận dụng ưu đãi từ Hiệp định chưa thực sự cân bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Còn nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa giải quyết được những vướng mắc về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế của Hiệp định. Nhận thức về Hiệp định CPTPP của một bộ phận cán bộ, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, và còn chưa thực sự chủ động trong việc tìm hiểu và tận dụng cơ hội từ CPTPP.
"Sang năm 2023, bối cảnh thế giới sẽ tiếp tục biến động ở cả thị trường hàng hoá lẫn thị trường tài chính – tiền tệ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung để giải quyết những khó khăn kể trên, để Hiệp định CPTPP tiếp tục là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu tương xứng với tiềm năng của Việt Nam, tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong sự cân bằng với các doanh nghiệp FDI, góp phần định vị thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế", ông Lương Hoàng Thái khẳng định.
Tại hội nghị, các diễn giả khách mời đã trao đổi về những cơ hội, thách thức từ thị trường và những điểm mới cần lưu ý trong việc thực thi CPTPP; đề xuất về chính sách và khuyến nghị cho doanh nghiệp để khai thác tối đa các thị trường đối tác trong CPTPP cũng như các giải pháp để nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong CPTPP thời gian tới.