Hơn 40 năm gắn bó với biển, với thuyền, với cá là chừng ấy năm ông Nguyễn Mộc, chủ tàu KH-94239-TS luôn gắn bó với nhóm chủ tàu mỗi khi ra khơi. Không nhớ chính xác việc tham gia Nghiệp đoàn nghề cá Vĩnh Thọ, tỉnh Khánh Hòa từ khi nào nhưng trong trí nhớ của ông Mộc là từ khi biết đi biển ông đã gắn kết với những đội nhóm tàu.
Ông Nguyễn Mộc cho biết, các thành viên khi vào nghiệp đoàn thường đã quen biết, hiểu nhau, thậm chí cùng nghề đi biển sẽ quan tâm, hỗ trợ nhau trên biển. Điều này cũng giống như nông dân sản xuất trên đất liền tham gia vào hợp tác xã, các thành viên cùng nhau tham gia khai thác, hợp tác sản xuất, chấp hành các quy định pháp luật trên biển.
Nay tuổi đã khá cao, ông Nguyễn Mộc không còn đủ sức đi với những chuyến dài ngày nhưng với tư cách chủ tàu ông vẫn tham gia vào nghiệp đoàn để cập nhật thông tin, chia sẻ cách làm, cách đi biển với các bạn thuyền.
"Nguồn lợi thủy sản ngày một suy giảm, chi phí tăng cao mà giá cá thậm chí giảm nên đôi khi có chuyến biển vẫn không đủ chi phí. Mỗi chuyến đi biển thường trên 10 ngày nhưng nếu không khai thác không hiệu quả thì tàu sẽ phải cố bám biển dài hơn. Khi có các thuyền khác trong nghiệp đoàn cùng ra biển sẽ hỗ trợ nhau rất nhiều những lúc như thế này", ông Nguyễn Mộc chia sẻ.
Với đặc tính riêng biệt của nghề lưới rê và chuyên đánh bắt vùng biển xa bờ, những thành viên trong Nghiệp đoàn nghề cá phường Vĩnh Phước chỉ làm đúng một nghề này để có thể hỗ trợ nhau trong khai thác.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá phường Vĩnh Phước cho biết, nghiệp đoàn có 23 tàu, với khoảng 250 thuyền viên. Tất cả các tàu của nghiệp đoàn đều hành nghề lưới rê và đây cũng là nghề truyền thống của địa phương.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, nghiệp đoàn chưa mang lại lợi nhuận gì nhiều cho các thành viên nhưng coi như là tổ cộng đồng, các thành viên rất tích cực hỗ trợ, chia sẻ nhau mỗi lần ra biển. Sự gắn kết này cũng giúp nghiệp đoàn thường xuyên họp, giao lưu với cá chủ tàu để tuyên truyền thông tin, phổ biến pháp luật. Các chủ tàu cũng nhận thức rằng, chống khai thác IUU là vấn đề rất quan trọng. Khi rút được “thẻ vàng”, giá cá sẽ cao hơn, thu nhập của người đi biển sẽ tốt lên.
“Từ khi có quy định chống khai thác IUU, chưa có tàu cá nào của nghiệp đoàn vi phạm khai thác IUU. Các chủ tàu đều cam kết chấp hành nghiêm chỉnh các thủ tục xuất bến, cập cảng, đăng kiểm, đăng ký, quy định khi khai thác trên biển, đặc biệt không khai thác IUU”, ông Nguyễn Đức Thắng vui mừng cho biết.
Ông Phạm Huy Trường, Chủ tịch Công đoàn nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho hay, nghiệp đoàn nghề cá là sự tập hợp những người lao động là ngư dân làm việc trên các tàu đánh bắt hải sản. Qua các nghiệp đoàn nghề cá giúp chủ tàu và ngư dân, nâng cao hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành pháp luật, khơi dậy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong việc khai thác.
So với số lượng tàu cá tỉnh Khánh Hòa, cả tỉnh mới có 9 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở với 227 tàu cá và có 915 đoàn viên. Thời gian tới, Công đoàn nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa tiếp tục vận động, hướng dẫn đăng kí thành lập tổ chức nghiệp đoàn cơ sở. Đồng thời, hướng dẫn các nghiệp đoàn hoạt động phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, thực tế tại địa bàn.
Các nghiệp đoàn phấn đấu duy trì và làm tốt hoạt động trợ cấp thăm hỏi động viên người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Cùng đó, hỗ trợ đoàn viên nâng cao tay nghề, hiểu biết pháp luật, trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, tính trách nhiệm trong khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ chủ quyền an ninh lãnh hải quốc gia.
Tính đến nay, Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam có 90 nghiệp đoàn cơ sở tại 16/28 tỉnh, thành phố có biển với gần 18.000 đoàn viên. Cùng với các nghiệp đoàn, cả nước cũng có 5.810 tổ đội sản xuất trên biển, với 48.000 tàu tham gia sản xuất cùng 252.000 ngư dân.
Cán bộ nghiệp đoàn nghề cá cơ sở đều là kiêm nhiệm trên tinh thần tự nguyện, được cơ cấu là chủ tàu, tổ trưởng tổ đánh bắt, đa số là ngư dân đánh bắt xa bờ, có uy tín.
Bên cạnh việc góp ý, kiến nghị về pháp luật, chính sách hỗ trợ ngư dân, Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam chủ động xây dựng sổ tay, tuyên truyền phổ biến pháp luật về biển, đảo; vận động đoàn viên, chủ tàu cam kết chống khai thác IUU.
Theo ông Đỗ Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá đều là những tàu cá khai thác và đánh bắt xa bờ. Sản phẩm khai thác được chủ yếu là xuất khẩu; trong đó, có thị trường EU do vậy tác động của “thẻ vàng” ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch vươn khơi bám biển của ngư dân.
Trong khi đó, lực lượng lao động trên các tàu cá thường xuyên biến động, thiếu lao động có tay nghề. Trình độ lao động thấp, chưa được đào tạo và thiếu kiến thức về nghề khai thác, bảo vệ nguồn lợi hải sản và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển ngành.
Ông Đỗ Tiến Dũng đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát và có biện pháp bảo vệ, hỗ trợ ngư dân và đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá sản xuất trên biển. Cùng với đó, xử lý thật nghiêm các trường hợp tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, sớm chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác trái phép trên vùng biển các nước.
Cùng với việc có chính sách chuyển đổi nghề, chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, các cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ triển khai mô hình liên kết chuỗi giá trị: khai thác - thu mua - tiêu thụ sản phẩm cho đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá và ngư dân. Qua đó, giúp ngư dân nâng cao giá trị sản phẩm, bớt khâu trung gian trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.
Bài 4: Chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho đợt thanh tra lần thứ 4