Vành đai 4 - Con đường gắn kết và phát triển - Bài 4: Đường tới đâu, giàu tới đó

Dự án đường Vành đai 4 được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội và là động lực cho sự phát triển của Thủ đô. Tại những quận, huyện của Hà Nội có tuyến đường đi qua, cả chính quyền và người dân đều phấn khởi, mong chờ một diện mạo mới, những cơ hội mới.

Chú thích ảnh
UBND phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội) xây dựng khu nghĩa trang mới tại tổ 9 để phục vụ di dời nghĩa trang tại tổ 5 và tổ 6 - nằm trong diện giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 qua địa bàn. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Tập trung gỡ vướng

Trong quá trình triển khai dự án tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền  phải quyết liệt, linh hoạt hơn nữa.

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Hà Đông Nguyễn Văn Trường, tại địa phương hiện có 121 hộ gia đình, cá nhân có tổng diện tích đất nông nghiệp còn lại sau thu hồi là 3.190 m2, có nguyện vọng đề nghị Nhà nước thu hồi nốt. Bởi diện tích đất còn lại sau thu hồi của các hộ dân nhỏ hơn 50 m2 hoặc lớn hơn 50 m2 nhưng thuộc diện “siêu mỏng, siêu méo”.

Cá biệt, có những trường hợp, thửa đất có mặt tiền rộng 30 - 40m nhưng chiều sâu so với chỉ giới thu hồi chỉ khoảng 1,5 - 2m. Theo quy định của thành phố Hà Nội, chỉ cho phép UBND các quận, huyện được phép thu hồi phần diện tích lớn hơn hoặc bằng 50 m2, chéo, méo, khó canh tác còn thừa lại sau khi đã thu hồi theo quy định trên nguyên tắc các quận, huyện phải phối hợp với chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục xác định lại chỉ giới diện tích thu hồi theo quy định và chỉ giới thu hồi đất xen kẹt, chéo, méo giao cho địa phương quản lý…

Chú thích ảnh
Ngay từ sáng sớm, người dân tại xã An Thượng đã tập trung đến trụ sở UBND xã để nhận tiền GPMB đường Vành đai 4. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Về việc này, bà Cấn Thị Việt Hà, Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho hay, quận sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo quy định; đảm bảo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ và tái định cư, di chuyển mộ đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã xây dựng.

Bên cạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục, các lực lượng chức năng cũng sẽ tiến hành lập biên bản, ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế thu hồi đất theo điều 71 Luật Đất đai đối với những trường hợp cố tình chống đối, không nhận kinh phí bồi thường hỗ trợ và bàn giao mặt bằng (nếu có).

Đối với huyện Hoài Đức, khó khăn lớn nhất hiện nay là di dời hàng trăm ngôi mộ thuộc 2 nghĩa trang phải giải phóng mặt bằng hoàn toàn, đồng thời xây dựng nghĩa trang mới. Tuy nhiên, với quyết tâm và những điều kiện thuận lợi, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Trúc Anh khẳng định, đến ngày 30/6, huyện sẽ bàn giao được khoảng 82% tổng mặt bằng cho thành phố.

Để công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 đảm bảo tiến độ, đồng chí Bí thư Huyện ủy Hoài Đức yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, đặc biệt người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng của huyện tiến hành triển khai các dự án chỉnh trang, cải tạo, mở rộng các nghĩa trang nhân dân hiện trạng và công tác tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi để người dân an cư, ổn định cuộc sống, sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Trúc Anh cũng lưu ý các xã cần quản lý chặt chẽ diện tích đất người dân đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng, không để người dân tái sản xuất trong phần đất thực hiện dự án. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhất trí, chủ động trong việc di dời mộ chí, bàn giao đất thực hiện giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ cam kết.

Đón cơ hội mới

Chú thích ảnh
Bà Lê Thị Hòa, xóm 4 thôn Văn Hội, huyện Thường Tín (Hà Nội) thực hiện thủ tục để nhận hơn 548 triệu đồng đền bù đất nông nghiệp nằm trong giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, các địa phương cũng đang rốt ráo chuẩn bị các dự án đón đầu đường Vành đai 4. Khi hoàn thành, tuyến đường được kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, từ đó là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuyến đường vận hành cũng sẽ từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến, tác động toàn diện các mặt kinh tế - xã hội Vùng Thủ đô Hà Nội. Trong đó, với tác động đầu tiên về mặt giao thông, đường Vành đai 4 sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển, logistic và nâng cao giá trị các hành lang ven đường…

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện các tiêu chí để phát triển lên quận. Vì vậy, khi có đường Vành đai 4, việc trao đổi hàng hóa trên địa bàn sẽ thuận lợi hơn, mang lại lợi thế phát triển kinh tế to lớn cho Hoài Đức. Huyện cũng đã quyết định dành 2 lô đất đã hoàn thiện hạ tầng, có vị trí đẹp, giao thông thuận lợi để đấu giá đất làm địa điểm bố trí tái định cư phục vụ dự án.

Chú thích ảnh
Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Còn Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh thì cho rằng, đường tới đâu sẽ giàu tới đó, bởi đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tăng cường khả năng kết nối liên vùng, mở ra cơ hội mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Thường Tín. Tuyến đường sẽ thúc đẩy kết nối lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế làng nghề… Qua đó, tạo động lực cho tiến trình xây dựng nông thôn mới của huyện theo tiêu chí đô thị.

Đối với huyện Mê Linh, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ hình thành không gian phát triển mới cho huyện theo hướng công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch... Tuyến đường huyết mạch này sẽ góp phần giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh về giá cho các loại nông sản chủ lực của huyện hiện đang có lợi thế trên thị trường như hoa, cây cảnh; các loại rau, củ, quả...

Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đang khẩn trương nghiên cứu đề xuất các khu nhà ở xã hội độc lập dọc theo đường Vành đai 4 và các vị trí khác trên địa bàn. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết được duyệt, thành phố giao UBND cấp huyện nghiên cứu lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, làm cơ sở lựa chọn chủ đầu tư.

Thành phố cũng đang quy hoạch xây dựng chợ đầu mối nông sản tại các cửa ngõ vào Thủ đô, tại khu vực xung quanh bố trí các cơ sở chế biến nông sản và trong vùng lõi đô thị sẽ hình thành các trung tâm đầu mối triển lãm, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…, qua đó hình thành những chuỗi giá trị nông sản đáp ứng mục tiêu phát triển mới ở khu vực nông thôn.

Bài cuối: Tạo cơ chế đặc thù

Nguyễn Cúc - Nguyễn Thắng - Mạnh Khánh (TTXVN)
Vành đai 4 - Con đường gắn kết và phát triển - Bài cuối: Tạo cơ chế đặc thù
Vành đai 4 - Con đường gắn kết và phát triển - Bài cuối: Tạo cơ chế đặc thù

Việc triển khai Dự án đường Vành đai 4 có liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhiều hộ dân. Vì vậy, có nhiều việc các tỉnh, thành phố cần phải giải quyết ngay những kiến nghị để đáp ứng nhu cầu tiến độ dự án. Trong khi đó, nếu phải xin ý kiến của các Bộ, ngành sẽ ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành dự án. Một cơ chế đặc thù hay sự phân cấp, san sẻ công việc cùng với giám sát chặt chẽ là rất cần thiết đối với một dự án mang tầm vóc quốc gia như Dự án đường Vành đai 4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN