Điển hình như tại Hà Nội, chưa có dự án nào Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội lại ban hành riêng một chỉ thị (Chỉ thị số 16-CT/TU) về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, quyết liệt để dự án hoàn thành đúng tiến độ như đã cam kết với Quốc hội và Chính phủ.
"Đòn bẩy" hữu hiệu
Thực tiễn cho thấy, khó khăn lớn nhất trong triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là công tác giải phóng mặt bằng, bởi quy mô giải phóng mặt bằng rất lớn, trong khi phải thực hiện trong khoảng thời gian ngắn để đảm bảo tiến độ dự án.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quy mô giải phóng mặt bằng đối với dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là 1.341 ha đất cho cả 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, riêng địa bàn Hà Nội cần bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho 14.647 hộ dân và bố trí tái định cư cho 2.203 hộ dân.
Trước khối lượng công việc lớn như vậy, ngày 13/9/2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo Chỉ thị, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo 7 nhóm nhiệm vụ để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, sự ủng hộ của tập thể, cá nhân người sử dụng đất khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ công tác giải phóng mặt bằng dự án.
Đáng chú ý, Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội từ thành phố đến cơ sở (nơi có tuyến đường Vành đai 4 đi qua), mở đợt sinh hoạt chính trị với các hình thức phù hợp nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung Nghị quyết của Quốc hội về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, tầm quan trọng đặc biệt, ý nghĩa của dự án; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng, cấp bách của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội địa phương.
Theo đó, để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Thông tri “Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố Hà Nội tích cực tham gia thực hiện hiệu quả Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Đồng thời, có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện gương mẫu, có ý tưởng sáng tạo trong quá trình triển khai dự án.
Bên cạnh đó, HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn công tác khảo sát tình hình, tiến độ triển khai Dự án đường Vành đai 4 tại các quận, huyện có dự án đi qua để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với việc xác định đơn giá bồi thường với mộ đã cải táng và chưa cải táng, mộ tổ, các mộ có kiến trúc đặc thù.
Cùng đó, làm rõ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án hỗ trợ thực hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư, lập dự án (cơ chế nguồn vốn, công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu, các bước thực hiện và đường găng tiến độ), cũng như nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân. Sau đó, trao đổi với lãnh đạo các địa phương để đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, chưa có dự án nào mà Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành riêng một Chỉ thị, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, quyết liệt như dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Các địa phương nơi có dự án đi qua đã thành lập tổ vận động về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, trực tiếp đối thoại, giải thích rõ quy định của pháp luật cho người dân. Kết quả là công tác giải phóng mặt bằng, nhất là việc di chuyển mộ chí được người dân đồng tình ủng hộ cao, góp phần hoàn thành bàn giao mặt bằng thi công theo tiến độ được duyệt.
Có lợi cho đất nước thì làm
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khai (huyện Hoài Đức, Hà Nội) Nguyễn Chí Thao, nếu như công tác giải phóng mặt bằng được nhận diện là khâu then chốt trong quá trình triển khai Dự án Vành đai 4, thì công tác di chuyển mộ để bàn giao mặt bằng thi công được xem là then chốt của then chốt. Vì vậy, thời gian qua, bám sát Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, cùng với nhiều cách làm sáng tạo trong tuyên truyền, vận động, công tác di chuyển mộ chí ở xã Minh Khai diễn ra khá thuận lợi, thậm chí nhiều mộ ướt (mộ mới chôn, mộ chưa cải táng) cũng được người dân đồng tình di chuyển để bàn giao mặt bằng. Đây được xem là những việc làm chưa có tiền lệ, đi vào lịch sử ở địa phương.
Còn tại xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội), do tập tục của địa phương kiêng di chuyển mộ vào đầu năm mới, nên trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, mặc dù chưa nhận được tiền hỗ trợ, nhưng những hộ gia đình có mộ chí bị ảnh hưởng bởi dự án đã tự nguyện di chuyển mộ đến khu nghĩa trang mới để "nhường" đất phục vụ thi công dự án.
Ngoài ra, có những hộ gia đình sống qua nhiều thế hệ đến hàng trăm năm trên mảnh đất tổ tiên để lại, nhưng vì phục vụ thi công dự án, lợi ích chung của thành phố, đất nước nên cũng tự nguyện di dời.
Là trường hợp phải di dời cả hộ gia đình với hàng trăm mét vuông đất ở, ông Nguyễn Văn Canh ở thôn Bồng Lai, xã Hồng Hà bày tỏ, qua nắm thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là được cán bộ xã, huyện tuyên truyền, gia đình đã hiểu được ý nghĩa to lớn của dự án nên rất đồng tình ủng hộ chủ trương của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện Dự án đường Vành đai 4.
“Cứ cái gì có lợi cho đất nước, cho bà con hàng xóm thì mình làm. Bởi dự án không chỉ mở ra cơ hội phát triển mới cho Hà Nội và các tỉnh lân cận, mà người dân xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng cũng có thêm nhiều điều kiện phát triển”, ông Nguyễn Văn Canh cho biết.
Qua trao đổi với người dân thuộc vùng dự án đi qua hai huyện Hoài Đức và Đan Phượng, điều đáng mừng nhất là người dân đều hồ hởi, phấn khởi và thể hiện rõ sự ủng hộ, đồng thuận cao đối với chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Người dân cũng mong muốn các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở làm tốt công tác di chuyển mộ chí, cải tạo nghĩa trang.
Đối với việc đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho người dân, thành phố cần tiếp tục nghiên cứu bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân theo quy định. Qua đó, góp phần bảo đảm tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng niềm tin và kỳ vọng của người dân.
Theo báo cáo của huyện Đan Phượng, với tiến độ hiện tại, trong quý II/2023, huyện sẽ di dời được 1.440/1.678 ngôi, đạt 85,8%; đồng thời, sẽ ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án và tổ chức chi trả tiền đối với các hộ có đất bị thu hồi đạt 100%. Huyện cũng sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 2 dự án tái định cư và cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 4 dự án cải tạo, chỉnh trang nghĩa trang. Trong khi đó, huyện Hoài Đức khẳng định sẽ phấn đấu hoàn thành khoảng 82% tổng diện tích phải giải phóng mặt bằng trong quý II/2023.
Bài 3: Chính quyền quyết tâm, người dân đồng lòng