Vành đai 4 - Con đường gắn kết và phát triển - Bài 3: Chính quyền quyết tâm, người dân đồng lòng

Đối với bất kỳ dự án đầu tư, xây dựng nào ở nước ta, giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề trọng tâm gặp nhiều khó khăn nhất. Với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội thì giải phóng mặt bằng còn là khâu “trọng điểm của trọng điểm”. Vì thế, vào những ngày đầu tháng 4, khi mà cái đích bàn giao 70% mặt bằng không còn xa thì tại những địa phương tuyến đường đi qua, tinh thần, ý chí quyết tâm của các cấp chính quyền và người dân vì mục đích chung được thể hiện ngày càng rõ nét.

Sẵn sàng nhường đất

Chú thích ảnh
Lãnh đạo UBND phường Yên Nghĩa, Hà Đông cùng với Tổ trưởng tổ dân phố đi tuyên truyền vận động người dân trong diện giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Đứng ngắm ngôi nhà 3 tầng có hai mặt tiền, được xây theo kiến trúc biệt thự kiểu Pháp, gương mặt ông Lê Văn Dũng (tổ 6, đường Nghĩa Lộ, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) lộ rõ vẻ tần ngần. Bởi chỉ một thời gian ngắn nữa thôi là ông và gia đình sẽ phải rời khỏi ngôi nhà khang trang rộng gần 100 m2 đã gắn bó hơn 10 năm để bàn giao mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến đường Vành đai 4.

“Tiếc lắm. Công trình cả đời của tôi là ngôi nhà này. Chăm chút, sắp đặt từng cái cây, viên gạch qua bao năm tháng. Nhưng thôi, tất cả là vì sự phát triển của quê hương, đất nước, tôi cũng không thắc mắc gì, ủng hộ tuyệt đối chủ trương của Đảng và Nhà nước. Chỉ mong quyền lợi của người dân được chính quyền các cấp thấu hiểu để có những giải pháp hợp lý, giảm bớt thiệt thòi cho chúng tôi”, ông Dũng chia sẻ.

Ngôi nhà rộng 36 m2 của ông Nguyễn Thanh Hải nằm ngay mặt đường Quốc lộ 6 (tổ 17, phường Yên Nghĩa) cũng trong diện bị thu hồi, nhường đất cho tuyến đường Vành đai 4 đi qua. Ông Hải kể, ngay từ những ngày đầu được phổ biến thông tin về dự án, dù còn nhiều băn khoăn nhưng ông và gia đình luôn ủng hộ chủ trương của Nhà nước.

Chú thích ảnh
Khu nhà ở của 24 hộ dân Tổ 17 phường Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội nằm trong diện giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Còn bà Lê Thị Hòa, xóm 4 thôn Văn Nội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín thì cho rằng, việc Nhà nước thu hồi đất để mở đường là đúng đắn. Gia đình bà và các hộ khác trong thôn nhận được các thông tin liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng từ các cấp chính quyền đầy đủ, rõ ràng và sẵn sàng phối hợp triển khai.

“Tôi bị thu hồi hơn 600 m2 đất nông nghiệp, nhận đền bù hơn 500 triệu đồng. Tiếc đất đấy nhưng việc của Nhà nước thì phải chấp hành, không có gì phải bàn cãi. Hơn nữa, được các anh ở ủy ban, hội đồng, các đoàn thể đến tuyên truyền, giải thích nên dân cũng hiểu và vui khi xã mình có đường lớn chạy qua”, bà Lê Thị Hòa vui vẻ cho biết.

Không chỉ ông Dũng, ông Hải, bà Hòa bày tỏ sự đồng thuận cao với chủ trương thu hồi đất của dự án, tại những nơi chúng tôi đến, nhiều người dân đã hiểu rõ về những lợi ích khi tuyến đường Vành đai 4 được hình thành. Dù còn đó những băn khoăn, trăn trở, song niềm tin về một diện mạo mới của địa phương nơi những người dân sinh sống nói riêng và của Thủ đô Hà Nội nói chung luôn hiện hữu trên từng gương mặt, lời chia sẻ của họ.

Những câu chuyện không tưởng

Chú thích ảnh
Khảo sát các mốc giới qua địa phận huyện Thường Tín. Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN

Phục vụ thi công đường Vành đai 4, tại 7 quận, huyện của thành phố Hà Nội có khoảng 14.600 phần mộ phải di dời. Trong đó, địa phương có nhiều phần mộ cần di dời nhất là huyện Thường Tín với hơn 4.200 ngôi mộ, chủ yếu nằm ở xã Văn Bình do chỉ giới đường đỏ vào cả khu nghĩa trang. Khi nghe tin đường Vành đai 4 sẽ chạy qua nghĩa trang Chùa Cửi và nghĩa trang Đống Mang của làng Văn Giáp (xã Văn Bình, huyện Thường Tín), người dân trong làng hoang mang, xôn xao bởi đây là 2 nghĩa trang đã tồn tại hàng trăm năm. Có nghĩa là sẽ có những ngôi mộ hàng trăm năm tuổi phải di dời.

Sau khi kiểm đếm, biết tổng số có hơn 300 ngôi mộ trong dòng họ Nguyễn Hữu buộc phải di dời đã khiến trưởng tộc Nguyễn Hữu Tôn mất ăn mất ngủ trong nhiều ngày liền. Với tư cách người đứng đầu dòng họ, ông Tôn yêu cầu các chi lập danh sách ngôi mộ, trong đó ghi rõ gia đình nào đồng thuận, gia đình nào không đồng thuận với việc di chuyển mồ mả, nêu rõ lý do xem vướng ở đâu, cần hỗ trợ gì.

“Cùng với sự động viên của lãnh đạo Huyện ủy, UBND, HĐND huyện Thường Tín, dòng họ chúng tôi đã tổ chức những cuộc họp bàn, vừa tuyên truyền, vừa thuyết phục về tầm quan trọng của dự án. Có cuộc khá căng thẳng do vẫn còn ý kiến không đồng thuận. Những gia đình có ý kiến băn khoăn chủ yếu là không muốn “phạm” vào mồ mả. Nhưng rất may là đại đa số các gia đình trong dòng họ lại đồng thuận với chủ trương chung của Nhà nước”, ông Tôn kể.

Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và qua nhiều cuộc họp nội bộ trong dòng họ để đả thông tư tưởng cho các thành viên, hơn 300 ngôi mộ của dòng họ Nguyễn Hữu làng Văn Giáp - gồm cả những phần mộ hàng trăm năm tuổi - đã được di chuyển tới nghĩa trang mới.

Nói như Trưởng tộc Nguyễn Hữu Tôn thì “con cháu hoan hỉ vì các cụ đã được chuyển đến khu đô thị mới khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Hơn nữa, đây cũng là những việc cần làm vì sự phát triển chung của địa phương, của thành phố”.

Chú thích ảnh
Người dân làng Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội) di chuyển mộ để dành đất cho dự án đường Vành đai 4. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Ngay khi nắm được chủ trương thu hồi đất thực hiện dự án đường Vành đai 4 của các cấp chính quyền thành phố Hà Nội, xác định đây là chủ trương đúng đắn, nhằm phát triển giao thông đô thị của Hà Nội, ông Bùi Văn Trọng ở Tổ dân phố 7, phường Phú Lãm, quận Hà Đông đã tổ chức nhiều cuộc họp dòng họ do gia đình có mộ tổ hơn trăm năm tuổi nằm trên diện tích đất phải bàn giao.

“Di dời mộ tổ là việc tâm linh, cực kỳ quan trọng. Hơn nữa, con cháu trong dòng họ đều đang khỏe mạnh, học tập làm ăn tốt. Vì vậy, việc di dời mộ tổ cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Sau khi được các cấp chính quyền quận Hà Đông, phường Phú Lãm tuyên truyền, đồng thời các thành viên trong dòng họ tự đả thông tư tưởng cho nhau thì gia đình chúng tôi đã quyết định di dời mộ tổ về nghĩa trang nhân dân Mả Chài rộng rãi, sạch sẽ, thuận tiện hơn cho con cháu thăm viếng, chăm nom”, ông Trọng chia sẻ.

Trên hành trình tìm hiểu về di dời mộ chí phục vụ thi công tuyến đường Vành đai 4, chúng tôi còn nghe được những câu chuyện người dân sẵn sàng di dời mộ ướt (mộ mới chôn, mộ chưa đủ ngày tháng để cải táng). Thậm chí, có gia đình còn sẵn sàng đưa cả quan tài lên để di chuyển sang nơi chôn mới. Những người dân đều có chung một suy nghĩ, tất cả vì lợi ích của đất nước, của Thủ đô. Đây là minh chứng rõ nét về sự đồng lòng của người dân và sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động để những việc khó trở nên dễ dàng hơn.

Video: Chi trả tiền đền bù và xây dựng mộ chí phục vụ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 tại huyện Hoài Đức:

Bài 4: Đường tới đâu, giàu tới đó

Nguyễn Cúc - Nguyễn Thắng - Mạnh Khánh (TTXVN)
Vành đai 4 - Con đường gắn kết và phát triển - Bài cuối: Tạo cơ chế đặc thù
Vành đai 4 - Con đường gắn kết và phát triển - Bài cuối: Tạo cơ chế đặc thù

Việc triển khai Dự án đường Vành đai 4 có liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhiều hộ dân. Vì vậy, có nhiều việc các tỉnh, thành phố cần phải giải quyết ngay những kiến nghị để đáp ứng nhu cầu tiến độ dự án. Trong khi đó, nếu phải xin ý kiến của các Bộ, ngành sẽ ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành dự án. Một cơ chế đặc thù hay sự phân cấp, san sẻ công việc cùng với giám sát chặt chẽ là rất cần thiết đối với một dự án mang tầm vóc quốc gia như Dự án đường Vành đai 4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN