Vành đai 4 - Con đường gắn kết và phát triển - Bài 1: Kỳ vọng của nhân dân

Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 56/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vào ngày 16/6/2022, Đảng bộ chính quyền và nhân dân ba tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh - nơi có dự án đi qua, đã bày tỏ niềm vui hân hoan, kỳ vọng về con đường gắn kết, phát triển Hà Nội và Vùng Thủ đô.

Chú thích ảnh
Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Nghị quyết ra đời không những đúng và trúng thời điểm mà còn là sự kết tinh của quyết tâm, tầm nhìn và khát vọng của Quốc hội, cử tri và nhân dân trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bài 1: Kỳ vọng của nhân dân

Nghị quyết 56/2022/QH15 của Quốc hội nêu rõ: Mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.

Nghị quyết soi đường

Tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, sáng 16/6/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có quy mô tuyến đường dài 112,8 km; trong đó, tuyến đường đi qua Hà Nội dài 58,2 km; qua tỉnh Bắc Ninh dài 35,3 km; qua tỉnh Hưng Yên dài 19,3 km; sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng.

Phát biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định: đây là dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có tác động lan tỏa, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các vùng và từng địa phương có dự án đi qua... Cùng với việc cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù chưa có tiền lệ, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính xem bản đồ tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội tại điểm xã Song Phương, huyện Hoài Đức, ngày 27/1/2023. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đồng quan điểm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra: Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ mở ra không gian phát triển mới cho Thủ đô và các tỉnh trong vùng, mà còn giải quyết hàng loạt vấn đề; trong đó có tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày càng gia tăng tại khu vực nội đô Hà Nội. Ngoài ra, dự án còn góp phần kết nối và phát huy hiệu quả hơn nữa các tuyến đường hướng tâm, khai thác quỹ đất lớn để phát triển, giảm chi phí logistics và thu hút các nhà đầu tư, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân.

Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng kỳ vọng: dự án sau khi hoàn thành thực sự sẽ là “đòn bẩy” cho sự phát triển của Vùng Thủ đô và đất nước, tạo ra tuyến vành đai kết nối Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, tạo tiền đề để các thành phố và các tỉnh phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị và nông thôn khu vực hai bên tuyến đường và vùng Thủ đô, tạo không gian phát triển quỹ đất, tạo nguồn lực đầu tư phát triển, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã và đang được Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm tạo mọi điều kiện để triển khai thực hiện, đồng thời cũng đòi hỏi rất cao về tiến độ thực hiện.

Cụ thể, Nghị quyết 56/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ cũng đều đề ra mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án là năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Thần tốc và quyết liệt

Chú thích ảnh
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra thực địa tại tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN

Với tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, cùng sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Cụ thể như ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức họp bàn với các địa phương liên quan để thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng trực tiếp làm Trưởng ban, các thành viên Ban Chỉ đạo được phân công nhiệm vụ cụ thể, gắn với các mốc tiến độ, từ giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện quy hoạch hai bên tuyến đường bảo đảm khai thác được quỹ đất, kết nối giao thông… đến việc khởi công toàn dự án và triển khai từng hạng mục.

Tham gia Ban Chỉ đạo còn có lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Ban Chỉ đạo cũng được thành lập đến cấp cơ sở do bí thư cấp ủy làm trưởng ban.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: đây là dự án đặc biệt quan trọng, phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện với quyết tâm cao nhất. Tất cả vì thành công của dự án, vì tương lai phát triển chung của Vùng Thủ đô và đất nước.Ngoài ra, trong các cuộc làm việc với các quận, huyện của thành phố nơi dự án đi qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đều yêu cầu tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến đường Vành đai 4 phải tính theo ngày chứ không phải tính theo tuần. Các hồ sơ, văn bản liên quan đến dự án phải giải quyết trong thời gian 24 giờ đến 48 giờ; khi phát hành các văn bản gửi đến các cơ quan, đơn vị liên quan phải đóng dấu hỏa tốc.

Đáng chú ý, không chỉ thành phố Hà Nội đang chạy đua với tiến độ dự án, mà hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên cũng đang "bứt tốc" triển khai các phần việc của dự án, thúc đẩy tiến độ các dự án thành phần. Đồng thời, lường trước những vấn đề khó, nhạy cảm, còn vướng mắc để chủ động có giải pháp từ sớm, từ xa; kịp thời kiến nghị với Trung ương tháo gỡ; vận động, tuyên truyền, tạo niềm tin để nhân dân đồng hành, thúc đẩy triển khai dự án.

Nhấn mạnh tầm quan trọng khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa bày tỏ: "Dù biết rất khó khăn, nhưng tỉnh Hưng Yên quyết tâm thực hiện bằng được tiến độ dự án, bảo đảm đến tháng 6/2023 sẽ bàn giao ít nhất 70% mặt bằng". Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: "Quan điểm chung của tỉnh Bắc Ninh là sẽ nỗ lực tháo gỡ tối đa những khó khăn, vướng mắc để thực hiện các dự án đạt kết quả cao nhất".

Chú thích ảnh

Bài 2: Quyết sách chưa có tiền lệ

Nguyễn Cúc - Nguyễn Thắng - Mạnh Khánh (TTXVN)
Vành đai 4 - Con đường gắn kết và phát triển - Bài cuối: Tạo cơ chế đặc thù
Vành đai 4 - Con đường gắn kết và phát triển - Bài cuối: Tạo cơ chế đặc thù

Việc triển khai Dự án đường Vành đai 4 có liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhiều hộ dân. Vì vậy, có nhiều việc các tỉnh, thành phố cần phải giải quyết ngay những kiến nghị để đáp ứng nhu cầu tiến độ dự án. Trong khi đó, nếu phải xin ý kiến của các Bộ, ngành sẽ ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành dự án. Một cơ chế đặc thù hay sự phân cấp, san sẻ công việc cùng với giám sát chặt chẽ là rất cần thiết đối với một dự án mang tầm vóc quốc gia như Dự án đường Vành đai 4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN