Từ ngày 1/6/2014, Thông tư 22/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ sẽ chính thức có hiệu lực, góp phần đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và thống nhất việc thực thi các quy định mới về tiêu chuẩn đo lường chất lượng vàng, đặc biệt là vàng trang sức mỹ nghệ trên toàn quốc, tạo tính cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng và uy tín thương hiệu quốc gia. Để thống nhất về cách thức quản lý đo lường chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ, ngày 24/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức Hội thảo “Công tác quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường” theo quy định tại Thông tư số 22/2013-TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, hiện nay, người tiêu dùng đang bị thiệt thòi vì không biết được chính xác hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ được mua hoặc khi bán lại thì bị các đơn vị kinh doanh cho rằng vàng không đủ tuổi nên bị ép bán giá thấp hơn.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gian lận thì hưởng lợi nhưng không bị xử lý, còn người tiêu dùng bị thiệt hại, đồng thời gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp kinh doanh vàng chân chính. Theo ông Linh, hiện nay việc thử nghiệm, giám định chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ còn chưa thống nhất. Mỗi doanh nghiệp quy định, sử dụng các phương pháp thử khác nhau, dẫn đến cùng một loại vàng nhưng giám định ở các cửa hàng khác nhau thì có kết quả khác nhau nên người tiêu dùng mua vàng ở đâu thì phải bán ở đó, nếu không sẽ bị ép giá, khó khăn trong quá trình mua, bán.
Trước đây, mặc dù Chính phủ đã ban hành một số Nghị định quy định chung về hoạt động kinh doanh vàng, tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về quản lý đo lường và chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ. Vì vậy, Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ra đời sẽ chấn chỉnh được tình trạng chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ nói trên.
Trong đó, đưa ra các quy định, yêu cầu đối với việc quản lý chất lượng và đo lường vàng trang sức mỹ nghệ như: tiêu chuẩn công bố áp dụng, ghi nhãn đối với vàng trang sức, mỹ nghệ; quy định rõ trách nhiệm thanh tra, kiểm tra yêu cầu về chất lượng và đo lường đối với vàng trang sức, mỹ nghệ... Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng hệ thống tiêu chuẩn riêng về đo lường và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ, đồng thời ra điều kiện nghiêm ngặt cho đơn vị kinh doanh mặt hàng này.
Tại hội thảo, đại diện Vụ Đo lường và Vụ đánh giá hợp chuẩn và hợp quy cùng Trung tâm kỹ thuật 3 của Bộ Khoa học Công nghệ đã hướng dẫn các Sở, Ban, ngành, Chi cục và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng những nội dung quy định cụ thể về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng; hướng dẫn nội dung quy định về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường; giới thiệu về năng lực thử nghiệm vàng trang sức, mỹ nghệ…
Các đại biểu tập trung thảo luận vấn đề quy định về cân vàng phù hợp để đảm bảo sai số cho phép trong giới hạn nhằm không gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh công bằng giữa các đơn vị kinh doanh. Những sai số cho phép của việc xác định tuổi vàng, yêu cầu năng lực đối với các tổ chức thử nghiệm vàng; trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh đảm bảo việc công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định của pháp luật; cùng một số quy định về thanh tra, kiểm tra chất lượng và đo lường vàng. Nhiều ý kiến đánh giá cao thông tư 22 của Bộ Khoa học Công nghệ là có tác động tích cực, cũng như tính thực thi trong quản lý tình hình hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ hiện nay.
H.Chung