Cụ thể theo báo cáo sơ bộ của VNR, tính đến hết ngày 28/1, tổng số toa xe xuất nhập khẩu qua 2 ga Đồng Đăng và Lào Cai đạt gần 6.000 toa xe.
"Do còn chưa hết tháng nên các đơn vị vận tải chưa có báo cáo số liệu vận chuyển hàng hóa cụ thể nhưng khả năng hàng hóa xuất nhập khẩu tháng này qua đường sắt vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt như các tháng trước đó", đại diện VNR thông tin.
Trong khi đó, năm 2021 mặc dù vận tải đường sắt chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 nhưng hàng liên vận quốc tế; trong đó có hàng đi châu Âu tăng trưởng 2 con số. Cụ thể, vận tải liên vận quốc tế năm 2021 đạt 1.158.330 tấn tăng 34% so với cùng kỳ; trong đó hàng hóa qua ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) tăng tới 82%. Đặc biệt, trong quý IV/2021, hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường sắt tăng mạnh so với cùng kỳ, ga Đồng Đăng tăng 117% lượt toa xe qua lại. Hàng hóa đi bằng đường sắt qua các cửa khẩu chủ yếu là quặng, lưu huỳnh, DAP, hóa chất, hàng điện tử, dệt may, linh phụ kiện, hàng tiêu dùng…
Là một trong 3 đơn vị vận tải trực thuộc VNR đang thực hiện vận tải liên vận quốc tế, đại diện Công ty cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) - doanh nghiệp chuyên kinh doanh vận chuyển hàng đi châu Âu bằng đường sắt cho biết, sản lượng hàng hóa liên vận quốc tế của Ratraco liên tục tăng trong thời gian quan. Trong năm 2021, Ratraco vận chuyển khoảng trên 16.000 container, tăng 270% so với cùng kỳ 2020.
"Hiện tại, công ty đã mở rộng các dịch vụ gia tăng như: đại lý khai báo hải quan, kiểm dịch thực vật, tư vấn thuế xuất nhập khẩu; giúp cung cấp đồng bộ, trọn gói các hoạt động liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa cho khách hàng nên được khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng, lựa chọn vận chuyển bằng đường sắt", đại diện Ratraco chia sẻ.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR khẳng định, đường sắt xác định trọng tâm trong thời gian tới là chuyển dịch sang vận chuyển hàng hóa để bù đắp cho sự sụt giảm của vận tải hành khách; trong đó đẩy mạnh việc vận chuyển liên vận quốc tế giữa Việt Nam – Trung Quốc và đi đến nước thứ 3 như châu Âu, Nga, Trung Á, Mông Cổ…
"Trong năm 2021, VNR đã đạt được một số kết quả trong công tác vận tải liên vận quốc tế như đã tổ chức được các đoàn tàu đi thẳng từ Việt Nam sang châu Âu (Bỉ), sảng lượng vận chuyển container liên vận quốc tế tăng hơn 100% so với cùng kỳ, mở thêm được các đoàn tàu chuyên tuyến container đến các thành phố của Trung Quốc", ông Vũ Anh Minh thông tin.
Để giúp vận tải liên vận quốc tế tiếp tục có sự tăng trưởng góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của quốc gia, ông Vũ Anh Minh đề xuất, về ngắn hạn dừng không tổ chức xếp dỡ hàng hóa tại ga Đồng Đăng để dành đường đón tiễn các đoàn tàu liên vận quốc tế; khẩn trương chuẩn bị hạ tầng, tăng năng lực xếp dỡ các bãi hàng tại các ga như Kép, Đồng Đăng, Yên Viên để nâng năng lực chưa hàng hóa, container nhằm giải tỏ ách tắc cho các ga Đồng Đăng, Lào Cai.
"Cùng với đó bố trí sức kéo để vận dụng hiệu quả việc luân chuyển hàng hóa tại ga nội địa đến các ga Đồng Đăng, Lào Cai và ngược lại; bố trí thêm nhân lực phục vụ cho vận tải liên vận như phiên dịch, chạy tàu. Đặc biệt, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ để làm việc với phía Trung Quốc cho phép hoạt động kiểm dịch tại ga Bằng Tường để tiếp nhận hàng hóa nông sản, hoa quả từ Việt Nam sang bằng đường sắt; đề xuất với đường sắt Trung Quốc đơn giản hóa các thủ tục về hóa vận để rút ngắn thời gian tác nghiệp", ông Vũ Anh Minh cho hay.
Về giải pháp dài hạn, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương bố trí nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp và mở rộng bãi hàng, đường ga, kho ga tại các nhà ga, đặc biệt ưu tiên ga Đồng Đăng. Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung vào Nghị đinh thư đường sắt Việt Nam - Trung Quốc nội dung cho phép đầu máy đường sắt Trung Quốc đi sâu vào nội địa Việt Nam (hiện toa xe đường sắt Trung Quốc chỉ vào được đến Hà Nội, Hải Phòng còn đầu máy đường sắt Trung Quốc dừng tại ga biên giới).
Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải sớm bổ sung các ga liên vận quốc tế tại khu vực miền Trung và phía Namm để hàng hóa nhập khẩu đi bằng đường sắt được làm thủ tục hải quan sâu trong nội địa góp phần giảm ách tắc tại các ga biên giới.
Để tháo gỡ nút thắt về hạ tầng cho ngành đường sắt, ngày 12/1 vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn liên quan đến việc đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực ga đường sắt liên vận quốc tế Đồng Đăng; thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường sắt.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà ghi nhận những đóng góp của ngành đường sắt đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn và khẳng định: trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu đường bộ gặp nhiều khó khăn, vận tải đường sắt đã phát huy hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19 cũng như duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, hỗ trợ tích cực cho việc giảm áp lực thông quan tại các cửa khẩu đường bộ, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu hàng hóa.
"Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để ngành đường sắt triển khai các dự án, nhất là dự án cải tạo mở rộng, nâng cao năng lực ga đường sắt liên vận quốc tế Đồng Đăng. Điều này góp phần hoàn thiện hạ tầng đường sắt, phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu", bà Đoàn Thu Hà cho hay.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR cho hay, sẽ sớm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương trong triển khai một số hạng mục của dự án cải tạo. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến kiến nghị của tỉnh, có giải pháp hội đàm, đối thoại với phía đường sắt vận tải Trung Quốc và sẽ kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải để nhanh chóng cho triển khai để nâng cao năng lực cho ga đường sắt liên vận quốc tế Đồng Đăng nói riêng, cũng như các ga trên toàn tuyến…