Hướng đi hiệu quả
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) ngày 20/7/2021 đã chạy thành công chuyến tàu chuyên container đầu tiên sang Bỉ, Hà Lan. Đoàn tàu gồm 23 container 40 feet, vận chuyển chủ yếu là hàng dệt may, da giày. Đây là đoàn tàu container đầu tiên do Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt (Ratraco-VNR) kết hợp với các doanh nghiệp vận chuyển, giao nhận các nước cung cấp chuỗi dịch vụ logistics cho khách hàng từ Việt Nam đến điểm đích.
Việc tổ chức thành công đoàn tàu này mở ra những tuyến vận tải đường sắt đi sâu nội địa châu Âu ngoài các tuyến đã khai thác sang Đức, Ba Lan. Ratraco và đối tác châu Âu đang bắt đầu xây dựng kế hoạch và tổ chức vận chuyển 8 chuyến/tháng xuất phát tại Việt Nam. Tổng thời gian vận chuyển dự kiến cho toàn bộ hành trình là 25 - 27 ngày.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 bùng phát trên thế giới, vận tải đường biển quốc tế đang đối mặt với thời kỳ khó khăn, vận tải đường sắt đang được nhiều khách hàng tìm đến để vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế từ Việt Nam sang Trung Quốc và từ đó đi tiếp châu Âu. Với ưu thế hệ thống kết nối đường sắt liên vận quốc tế hiệu quả, các đoàn tàu đi đến ga đích đúng giờ, chi phí vận tải phù hợp, vận tải đường sắt liên vận quốc tế đang ngày càng phát triển, tăng trưởng.
Theo ông Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Cục Đường sắt Việt Nam-Bộ GTVT), đầu tư cho đường sắt kết nối quốc tế không thể chỉ xét yếu tố ngành Đường sắt thu được bao nhiêu cước vận tải, mà phải xét về yếu tố tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam với các nước. Riêng tàu đi châu Âu rất thuận lợi, chỉ tính thời gian hành trình đã giảm được khoảng 2 tuần so với đi bằng đường biển, hơn nữa chi phí vận tải rẻ.
Hiện nay, ngành Đường sắt vẫn duy trì ổn định chạy tàu hàng liên vận quá cảnh Trung Quốc đi các nước Trung Á, châu Âu như: Kazakhstan, Nga, Ba Lan, Đức… vào các ngày thứ 4 và chủ nhật hàng tuần, sản lượng hàng hóa liên vận quốc tế đường sắt từ đầu năm đến nay tăng vọt. Nếu chỉ tính riêng hàng xuất đi Nga và châu Âu, 8 tháng qua đã đạt hơn 1.600 TEU, bằng 96% so với cả năm 2020. Còn tính hàng liên vận xuất nhập khẩu nói chung qua cửa khẩu ga Đồng Đăng, ga Lào Cai tăng hơn 40% so với cùng kỳ 2020.
Còn ông Trần Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt (Ratraco), đơn vị tổ chức tàu đi châu Âu cho rằng, nếu chỉ tính cước thì thấp hơn phía Trung Quốc. Tuy nhiên, chạy tàu liên vận quốc tế không chỉ thu mỗi cước, mà phía Việt Nam còn thu nhiều hơn từ cung cấp các dịch vụ gia tăng cho khách hàng như: Làm thủ tục hải quan, kho bãi, bốc xếp và vận chuyển đường ngắn bằng đường bộ từ kho đến ga. Quan trọng hơn, kết nối với đường sắt châu Âu thông qua đường sắt Trung Quốc giúp cho hàng hóa hai chiều xuất nhập khẩu lưu thông tốt hơn, nhất là hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ưu tiên đầu tư kết nối đường sắt Trung Quốc
Lãnh đạo Ratraco cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, vận tải hành khách khó khăn, ngành Đường sắt đang đẩy nhanh các dịch vụ logistics cho các đoàn tàu container từ Việt Nam liên vận đi Trung Quốc, sang châu Âu, nhằm bù đắp nguồn thu, giảm bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để thiết lập một đoàn tàu chở hàng hóa liên vận quốc tế qua nhiều nước đòi hỏi nhiều điều kiện như về thiết bị vận chuyển, trong đó có vỏ container phải đạt chuẩn quốc tế...
Nếu tính toán cung đường đi châu Âu thì đường sắt Việt Nam với cự ly ngắn chắc chắn lợi ích thu về từ việc cho thuê hạ tầng cũng không nhiều so với các nước. Trong khi đó, đường sắt Trung Quốc cũng không được hưởng lợi hết trong chuỗi vận chuyển này. Xét về khía cạnh cho thuê hạ tầng, trong hành trình 8 nước mà đoàn tàu liên vận đi qua, các nước sẽ được hưởng phí thuê hạ tầng đường sắt phụ thuộc vào độ dài mà đoàn tàu di chuyển qua.
"Đối với Việt Nam, việc thành lập ra những đoàn tàu này có ý nghĩa quan trọng, tạo ra được các chuỗi vận chuyển dựa trên nền tảng đường sắt Việt Nam kết nối được với đường sắt các nước để vận chuyển hàng hóa. Khi thành lập các đoàn tàu chở hàng hóa từ Việt Nam đi châu Âu sẽ tạo tiền đề cung cấp dịch vụ của ngành đường sắt, thu hút các đối tác hãng tàu quốc tế hợp tác vận chuyển hàng hóa. Đây sẽ là hướng hợp tác mới cho ngành Đường sắt Việt Nam", lãnh đạo Ratraco thông tin.
Qua tìm hiểu, trong thời điểm dịch bệnh, đường sắt Việt Nam tự tổ chức tuyến vận tải đường sắt đi từ Việt Nam sang châu Âu không dễ. Bởi khi thành lập tuyến vận tải đường sắt này, ngành Đường sắt phải đáp ứng các yêu cầu đường sắt của các nước sở tại; trong đó, quan trọng nhất vẫn là năng lực hạ tầng đường sắt Việt Nam hạn chế, chỉ thành lập được tối đa một đoàn tàu gồm 23 toa xe (cộng thêm đầu máy và toa hậu cần). Đối với đoàn tàu vận chuyển liên vận đi Á-Âu tối thiểu phải từ 41 toa xe trở lên. Chính vì vậy, đường sắt Việt Nam phải hợp tác với đường sắt Trung Quốc để đảm bảo điều kiện trên.
Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Liên quan đến kết nối đường sắt quốc tế, dự thảo quy hoạch đề xuất kết nối với đường sắt Trung Quốc thông qua 2 tuyến hiện có là Hà Nội-Đồng Đăng và Hà Nội-Lào Cai. Từ hai điểm này kết nối mạng đường sắt Trung Quốc đi tiếp đường sắt châu Âu.
Tuy nhiên, hàng liên vận đi châu Âu chỉ chạy được tuyến Hà Nội-Đồng Đăng do tuyến này tàu chạy được trên khổ đường sắt 1.435 mm và sang thẳng đường sắt khổ 1.435 mm của Trung Quốc. Còn tuyến Hà Nội-Lào Cai chưa khai thác được tàu đi châu Âu vì tuyến này chỉ chạy được tàu khổ 1.000 mm, trong khi tàu đi châu Âu bên đường sắt Trung Quốc chỉ chạy khổ 1.435 mm.
Vì vậy, dự thảo quy hoạch đề xuất ưu tiên bố trí vốn cho dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc, để kết nối khổ đường với đường sắt Trung Quốc, tạo thuận lợi cho đường sắt Việt Nam tổ chức lập tàu liên vận tại ga Lào Cai và chạy thẳng sang đường sắt Trung Quốc, từ đó đi châu Âu. Dự thảo cũng đề xuất bố trí ưu tiên vốn giai đoạn 2021-2030 để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có liên quan như: Hà Nội-Đồng Đăng, Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng... để nâng năng lực hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển vận tải đường sắt liên tuyến, liên vùng, từ đó thúc đẩy hàng liên vận đi châu Âu.