Vận động hộ nuôi tiêm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang tích cực vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn nuôi để hạn chế rủi ro do dịch này tái phát.

Chú thích ảnh
Phun khử trùng nhằm phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi. Ảnh minh họa: Thanh Thương/TTXVN

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, tính đến đầu tháng 11, đàn lợn của tỉnh  có khoảng 305.000 con. Trong những tháng cuối năm, nhiều hộ chăn nuôi sẽ tái đàn nhằm tạo nguồn cung ứng cho thị trường phục vụ dịp lễ, tết Nguyên đán, nên theo dự đoán, đàn lợn có thể phát triển lên tổng đàn khoảng 350.000 - 360.000 con.

Trong khi đó, vào dịp cuối năm, thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi để các loại mầm bệnh phát triển và gây bệnh. Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã có vaccine phòng bệnh nhưng chưa được tiêm phòng rộng rãi trên đàn lợn của tỉnh nên nguy cơ dịch bệnh sẽ tiếp tục phát sinh.

Để bảo vệ đàn lợn nuôi trong tỉnh, cùng với việc tích cực vận động nông hộ tiêm phòng, ngành nông nghiệp cũng phối hợp với ngành chức năng, các địa phương chủ động giám sát dịch tả lợn châu Phi, nhất là tại các khu vực ổ dịch cũ, nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời khi có ổ dịch phát sinh. Đồng thời, tăng cường kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật xuất, nhập tỉnh; kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn; kiểm tra hoạt động giết mổ, vận chuyển, mua bán lợn và sản phẩm từ lợn, không để tình trạng mua bán, giết mổ lợn bệnh mang ra bán tại các chợ làm lây lan dịch bệnh.

Các đơn vị đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, hướng dẫn người chăn nuôi nhận thức đầy đủ về tính chất nguy hại và lây lan của dịch tả lợn châu Phi. Người dân chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán, giết mổ, vứt xác lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường tự nhiên; tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh lưu hành trong môi trường, nhất là tại các vùng ổ dịch cũ, cơ sở thu gom, buôn bán, giết mổ động vật,… Ngành nông nghiệp khuyến khích nông hộ chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ; phấn đấu tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm.

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh lưu ý, việc tiêm phóng phải có sự giám sát của cơ quan chuyên môn, thời điểm tiêm là lúc đàn lợn thịt khỏe mạnh, từ 4 tuần tuổi trở lên, dùng một liều duy nhất với thời gian bảo hộ kéo dài tối thiểu 5 tháng

Dịch tả lợn châu Phi lần đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh vào năm 2019 đã gây thiệt hại nặng nề đến ngành chăn nuôi địa phương. Chỉ từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, ngành chức năng tỉnh đã tiêu hủy trên 86.000 con lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi của 3.911 hộ, với tổng trọng lượng gần 4.000 tấn. Tỉnh Trà Vinh đã bố trí kinh phí hơn 140 tỷ đồng hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh tả lợn châu Phi phục hồi sản xuất.

Gần đây nhất, dịch tả lợn châu Phi phát sinh trên địa bàn tỉnh  là giữa tháng 11, tại một hộ chăn nuôi ở xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè với tổng đàn 14 con. Tính từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 11 ấp ở  5 huyện, thị xã, với tổng số 286 con nghi mắc bệnh, tổng đàn 411 con của 11 hộ. Ngành chức năng đã hỗ trợ tiêu huỷ 388 con với tổng trọng lượng trên 16 tấn.

Trong khi đó, để phòng, chống, kiểm soát kịp thời dịch bệnh này, không ảnh hướng đến nguồn cung nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tỉnh Tuyên Quang cũng đang tăng cường phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang giao UBND huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và đơn vị liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật, bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, đối với các huyện, thành phố hiện nay vẫn đang có các ổ dịch cần tập trung huy động nguồn lực để xử lý dứt điểm, không phát sinh ổ dịch mới; tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết; chủ động triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và xung quanh nơi có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; khẩn trương rà soát, tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại các xã, phường, thị trấn đã, đang có dịch, có nguy cơ cao, bao gồm cả đàn lợn đã được tiêm vaccine nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào diễn biến, tình hình dịch bệnh, chủ động phối hợp với các huyện, thành phố thành lập đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc phòng, chống dịch bệnh động vật; xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại địa phương; chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của dịc bệnh này cũng như nguy cơ tái phát dịch, lây lan...

Sau một thời gian không xuất hiện các ổ dịch, hiện nay, tại nhiều nơi ở Tuyên Quang đã tái phát dịch tả lợn châu Phi. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản Tuyên Quang, đến nay, trên địa bàn có 130 hộ, ở 36 thôn, 12 xã của 5 huyện có đàn lợn bị mắc bệnh với số lợn phải tiêu hủy 520 con, tổng trọng lượng 17 tấn…

Thanh Hòa - Vũ Quang (TTXVN)
Kon Tum: Liên tiếp phát hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi
Kon Tum: Liên tiếp phát hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi

Chỉ trong vòng hơn một tuần, từ 27/11 đến 5/12, ngành chức năng tỉnh Kon Tum đã phát hiện và tiêu huỷ gần 300 con lợn chết do dịch tả lợn châu Phi tại thành phố Kon Tum và huyện Đăk Glei. Ngành nông nghiệp địa phương đang triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch nhất là thời điểm cuối năm đang đến gần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN