Cụ thể, ngày 27/11, ngành nông nghiệp ghi nhận ổ dịch tả lợn châu Phi tại trại nuôi lợn của ông Lưu Văn Chung, thôn Kon Hra Chót, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum. Tổng số lợn chết và bị tiêu huỷ là 147 con. Lực lượng chức năng đã tổ chức tiêu hủy ngay toàn bộ đàn lợn của hộ gia đình này theo đúng quy định. Đồng thời, hướng dẫn chủ nuôi vệ sinh chuồng trại; triển khai các biện pháp nhằm khoanh vùng ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Đến ngày 5/12, ngành nông nghiệp tiếp tục ghi nhận ổ dịch tả lợn châu Phi tại hộ chăn nuôi Trần Đình Rừng, xã Xốp, huyện Đăk Glei với 124 con lợn chết. Ngoài ra, tại một hộ chăn nuôi khác ở thôn Rooc Mẹt, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei cũng xuất hiện trường hợp lợn chết bất thường với số lượng 56 con, hiện đang chờ kết quả xét nghiệm.
Uỷ ban nhân dân huyện Đăk Glei đã ban hành văn bản yêu cầu UBND các xã, thị trấn huy động nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý, tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và cương quyết xử lý nghiêm trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Trước đó, cuối tháng 11/2023, UBND tỉnh Kon Tum cũng ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND về việc tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành liên quan, UBND huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1097/CĐ-TTg.
Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ tình hình phát triển chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn vật nuôi đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi; chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để kiểm soát, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, huy động nguồn lực xử lý các ổ dịch; đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả này cũng như nguy cơ tái phát dịch, lây lan...; có biện pháp phòng dịch bệnh và sử dụng vaccine cho đàn lợn thịt theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện giải pháp phát triển chăn nuôi đảm bảo đủ nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới; giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học và biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật nói chung và bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng theo quy định. Ngoài ra, ngành chức năng cần tăng cường kiểm dịch động vật, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập và quá cảnh qua địa bàn theo đúng quy định; phát hiện và xử lý nghiêm các trường vi phạm quy định về kiểm dịch động vật.