Đến ngày 11/11, dịch này đã xảy tại 8 xã của huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị với tổng số 127 con lợn bị bệnh, chết buộc chôn hủy với tổng trọng lượng gần 5.860 kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, nguyên nhân bệnh tái bùng phát và có chiều hướng lây lan nhanh là do người chăn nuôi có tâm lý chủ quan, chưa tổ chức thực hiện tốt biện pháp phòng chống. Đặc biệt, người chăn nuôi giấu dịch, bán lợn bệnh, phát hiện lợn bị bệnh không báo cáo cho chính quyền địa phương do tâm lý không nhận được hỗ trợ thiệt hại khi phải tiêu hủy.
Mầm bệnh phát tán và lây lan nhanh sau đợt mưa lũ cuối tháng 10/2023, nhất là việc người dân vứt xác lợn chết ra môi trường; tiêm phòng vaccine phòng bệnh đạt tỷ lệ thấp. Thời gian tới, nguy cơ bệnh tiếp tục tái phát và lây lan diện rộng là rất cao, nhất là trong điều kiện nuôi tái đàn, tăng đàn lợn ngày càng gia tăng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Trước diễn biến này, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành công văn về việc tập trung chỉ đạo kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng. Cơ quan này yêu các sở, ngành và địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ biện pháp bao vây, khống chế dập tắt các ổ bệnh không để lây lan; thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình dịch bệnh; quản lý chặt chẽ đàn lợn đến từng trang trại từng hộ dân.
Cùng với đó, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ hoá chất, kinh phí để chủ động phòng chống bệnh với phương châm “huyện giữ huyện, xã giữ xã, thôn giữ thôn, hộ giữ hộ”. Ngoài ra, tuyên truyền người chăn nuôi thực hiện tốt việc không giấu dịch; không mua bán vận chuyển, không giết mổ lợn bị bệnh lợn chết; không vứt xác lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý làm thức ăn cho lợn.
Bên cạnh đó, quản lý chặt việc tái đàn, tăng đàn lợn đảm bảo không để tái phát dịch; xử lý nghiêm trường hợp tái đàn không kê khai đăng ký chăn nuôi, không đảm bảo điều kiện để xảy ra dịch bệnh và không thực hiện hỗ trợ kinh phí khi có lợn phải tiêu hủy do mắc bệnh đối với những hợp vi phạm theo quy định.
Tăng cường quản lý các cá nhân, đơn vị sản xuất kinh doanh lợn; cam kết không mua bán vận chuyển lợn, sản phẩm lợn chưa qua kiểm dịch. Song song đó, tổ chức vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại khu vực chăn nuôi; xử lý tiêu hủy lợn chết lợn bệnh kịp thời, bảo đảm yêu cầu không để lây lan dịch bệnh, không để gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, tiếp tục rà soát và tổ chức tiêm phòng vaccine phòng bệnh. Hộ chăn nuôi lợn không thực hiện tiêm phòng vaccine theo quy định, để dịch bệnh xảy ra bắt buộc phải tiêu huỷ sẽ không được hỗ trợ theo quy định.