Vải lai Hưng Yên chín sớm tăng gấp đôi giá trị

Với sự chuyển đổi từ kinh nghiệm quảng canh sang sản xuất theo quy trình kỹ thuật cao, người dân trồng vải lai Hưng Yên chín sớm đã nâng gấp đôi giá trị vườn cây ăn trái nhiệt đới của gia đình.

Thu hoạch vải lai chín sớm và đóng thùng xuất bán. Ảnh: baohungyen.vn

Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên phối hợp với Viện nghiên cứu Rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa triển khai thành công chương trình "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mở rộng mô hình thâm canh vải lai chín sớm" tại huyện Phù Cừ.

Với nhiều ưu điểm vượt trội về kỹ thuật, chương trình đã giúp năng suất và chất lượng vải lai chín sớm Phù Cừ chuyển biến rõ rệt, góp phần bảo tồn và phát triển vùng chuyên canh sản phẩm hàng hóa có giá trị ổn định, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Mô hình được triển khai tại 15 vườn vải của nông dân các xã: Tam Đa, Minh Tiến, Tiên Tiến, Tống Trân (huyện Phù Cừ). Bà con trồng vải được trang bị các biện pháp kỹ thuật như: khống chế lộc đông, sử dụng các chất điều tiết sinh trưởng nhằm tăng tỷ lệ ra hoa đậu quả; cách sử dụng phân bón qua lá giàu vi lượng, nhiều kali; hạn chế rụng quả non sau khi tắt hoa; dùng phân bón qua lá Siêu kali thúc quả lớn, làm đẹp vỏ, cải thiện mã và nâng cao chất lượng quả.

Mô hình còn giúp bà con cách nhận diện được các đối tượng sâu bệnh gây hại; phương pháp sử dụng các loại thuốc đặc trị để phòng, trừ sâu bệnh hại chính trên vải như sâu đục quả, bọ xít, rầy rệp và các bệnh: thán thư, sâu đầu, thối nâu, phấn trắng, muội đen…

Theo đó, mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt: quả vải to, vỏ quả vàng đậm, màu sáng đẹp, không bị sâu đầu cuống, không bị bệnh thối nâu; độ đường của cùi đạt trung bình 20,5%; năng suất trung bình mỗi cây đạt 85 kg quả tươi, tương ứng 17 tấn/ha; sản lượng tăng hơn 160%; giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, cao hơn trung bình khu vực 5.000 đồng/kg, tổng giá trị của mỗi vườn thu cao gấp hơn 2 lần so với trước. Theo bà con các xã Tam Đa, Tiên Tiến: việc ứng dụng kỹ thuật từ mô hình này đã góp phần thay đổi tư duy và nhận thức của người trồng vải từ sản xuất theo kinh nghiệm quảng canh sang sản xuất theo quy trình kỹ thuật cao.

Hiện nay, diện tích trồng vải lai chín sớm trên địa bàn huyện Phù Cừ khoảng hơn 400 ha, hằng năm sản lượng đạt khoảng hơn 7 nghìn tấn. Ưu điểm nổi trội của vải lai Phù Cừ là vụ thu hoạch quả tươi cách xa vải chính vụ nên thường được giá cao gấp 3 - 5 lần.

Do chất lượng sản phẩm đã được khẳng định và người tiêu dùng nhiều nơi biến đến nên cây vải lai chín sớm được xem là một định hướng ưu tiên trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Phù Cừ nhằm nâng cao giá trị trên 1 ha canh tác. Huyện đang quy hoạch và phát triển cây vải lai thành vùng sản xuất hàng hóa tại các xã Tam Đa, Tiên Tiến, Minh Tiến, Nguyên Hòa, Nhật Quang, Tống Trân.

Ông Ngô Xuân Thái, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên cho biết, chương trình "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mở rộng mô hình thâm canh vải lai chín sớm" tại huyện Phù Cừ đang góp phần bảo tồn và phát triển vùng vải mang tính đặc thù, tạo sản phẩm hàng hóa giá trị, chất lượng, năng suất ổn định, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Sở đang tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện các quy trình để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân, nhằm hướng tới xây dựng vùng chuyên canh mang tính hàng hóa, chất lượng cao để xuất khẩu và xây dựng vùng du lịch sinh thái.

Mai Ngoan (TTXVN)
Tạo điều kiện tốt nhất cho xuất khẩu vải
Tạo điều kiện tốt nhất cho xuất khẩu vải

Các trang thiết bị cần thiết để phục vụ chiếu xạ cho quả vải như: nhà xưởng, kho lạnh, nhà đóng gói... đã được hoàn thành, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu vải. Đó là chia sẻ của ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khi mùa vải chín rộ đang đến gần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN