Mua sắm qua mạng (mua sắm online) đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Các doanh nghiệp, nhà bán lẻ đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội này để thu hút nhiều hơn nhóm khách hàng trẻ.
Nhiều tiện lợi
Anh Tiến Đạt (Lê Duẩn, Hà Nội) có nhu cầu mua một chiếc loa có tính năng bluetooth để chuẩn bị cho chuyến du lịch Hàn Quốc. Nếu như trước đây, anh phải đến 2 - 3 cửa hàng điện tử để chọn lựa một chiếc ưng ý về cả kiểu dáng lẫn giá cả thì nay anh có thể ngồi một chỗ, lướt web và so sánh giữa sản phẩm các cửa hàng với nhau. “Hiện nay có rất nhiều sản phẩm cùng loại, nếu đến tận nơi để chọn hàng sẽ tốn rất nhiều thời gian. Tôi mua qua mạng nhanh hơn nhiều. Nhân viên giao hàng ngay hôm sau”, anh Đạt cho biết.
Mua sắm trực tuyến ngày càng trở thành một đối thủ nặng kí của mua sắm truyền thống. |
Cũng giống như anh Đạt, rất nhiều bạn trẻ sinh sống tại khu vực thành thị đang ngày càng quen thuộc với việc mua sắm qua mạng. Mặc dù hình thức mua sắm này từng dính phải một số “tai tiếng” về chất lượng sản phẩm không giống như quảng cáo, nhưng với những người mua hàng có kinh nghiệm, đây vẫn là lựa chọn số một khi mua hàng.
Theo kết quả khảo sát năm 2014 của Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), giá trị mua hàng trực tuyến của mỗi người tiêu dùng Việt Nam đạt khoảng 145 USD, tương đương 3,1 triệu đồng. Doanh thu từ thương mại điện tử của cả thị trường Việt Nam năm 2014 đạt khoảng 2,97 tỷ USD, chiếm 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước. Sản phẩm được lựa chọn chủ yếu là đồ công nghệ và điện tử, thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng...
Con số này còn khá khiêm tốn so với một số nước khác trong khu vực, tuy nhiên với lợi thế dân số trẻ, khả năng tiếp cận Internet nhanh nhạy, số lượng giao dịch mua sắm qua mạng của Việt Nam sẽ còn tăng cao trong tương lai. Một khảo sát mới đây trong lĩnh vực thương mại điện tử của Công ty nghiên cứu CBRE cho thấy, hình thức mua sắm trực tuyến đã vượt qua mua sắm truyền thống, trở thành hình thức mua sắm phổ biến tại thị trường châu Á. Cụ thể, 76% người tham gia khảo sát ở Trung Quốc và 68% ở Ấn Độ sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến như là cách mua hàng phổ biến nhất.
Đón đầu xu thếNắm bắt được nhu cầu mua sắm online sẽ ngày càng tăng cao, từ năm 2014, Cục Thương mại điện tử đã lần đầu tiên tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến nhằm thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến, khuyến khích người dân mua hàng online để được hưởng ưu đãi. Dự kiện đã thu hút sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp. Trong một ngày, website của chương trình đã đạt gần 2 triệu lượt truy cập.
Trong buổi họp báo về Ngày mua sắm trực tuyến lần thứ hai năm 2015, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử, cho biết, năm nay sẽ có 2 ngày mua sắm trực tuyến là ngày 28/8 và ngày 4/12/2015 với nhiều ưu đãi cho khách mua hàng. Dự kiến, sự kiện sẽ thu hút 2.500 doanh nghiệp, cung cấp 15.000 lượt khuyến mãi, với tổng doanh số 500 tỷ đồng. |
Ông Lê Đức Anh, Phó phòng Phát triển dịch vụ trực tuyến, cho biết, tổng giá trị hàng hóa giao dịch của các doanh nghiệp tham gia trong ngày mua sắm trực tuyến năm 2014 đạt gần 154 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với ngày thường. Tuy nhiên, sự kiện này chỉ là một hoạt động mang tính “cổ vũ” là chính, còn tận dụng cơ hội từ mua sắm trực tuyến đến đâu vẫn là do mỗi doanh nghiệp.
Hiện nay, để khuyến khích mua sắm online, nhiều siêu thị bán lẻ đã có những chương trình ưu đãi, giảm giá dành riêng cho khách đặt hàng qua mạng, chẳng hạn nếu mua hàng qua mạng sẽ được chiết khấu từ 2 - 5% so với việc mua hàng trực tiếp. Bên cạnh đó, để người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng với sản phẩm, các nhà bán lẻ đã lập các trang mạng xã hội, thường xuyên update thông tin mới và phản hồi các ý kiến của khách hàng. Đây cũng là một cách làm hay, nhất là khi số lượng người dùng mạng xã hội ở Việt Nam ngày một nhiều.
Trước ý kiến cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của mua sắm online có thể triệt tiêu mua sắm truyền thống, một chuyên gia của CBRE cho rằng, việc mua sắm trực tuyến và phương thức mua sắm truyền thống sẽ bổ trợ cho nhau.
Thực tế, nhiều người tiêu dùng đến cửa hàng để nhận sản phẩm đã đặt trực tuyến và rất đông trong số đó đã mua thêm các sản phẩm khác. Điều này giúp tăng doanh số bán hàng tại quầy cho nhà bán lẻ, từ đó đồng bộ hóa môi trường bán hàng trực tuyến với môi trường bán hàng trực tiếp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để xây dựng lòng tin cho khách hàng, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm vẫn phải là điều kiện tiên quyết.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang triển khai chương trình Phát triển thương mại điện tử Quốc gia 2014 - 2020, hướng đến mục tiêu thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến trở thành hình thức mua hàng phổ biến của người tiêu dùng.