Ông Trần Tuấn Anh – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển của internet nói chung, TMĐT cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, vấn đề hàng cấm, hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn làn trên các website TMĐT đang là mối quan ngại sâu sắc của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT. Chính vì vậy, nhiều văn quy phạm pháp luật đã được ban hành trong năm 2013 - 2014 nhằm tạo hành lang pháp lý lành mạnh trong việc phát triển TMĐT cũng như tường bước hoàn thiện khung pháp lý TMĐT.
Theo thống kê của Cục TMĐT, hiện Việt Nam có gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có khoảng hơn 200.000 doanh nghiệp là có website. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 40% – 45% trên tổng số doanh nghiệp có website là có website TMĐT. Thế nhưng, chỉ có hơn 4.800 website TMĐT là làm đúng thủ tục, đăng ký kinh doanh. Trong đó, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội chiếm tỷ lệ cao nhất.
Trước thực tiễn trên, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT cho rằng, đây là phương thức kinh doanh đặc thù nên cần có cách quản lý phù hợp. Có thể thấy, các mô hình kinh doanh TMĐT liên tục phát triển và mở rộng ở các mô hình mobile, mạng xã hội…. Hàng giả, hàng cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xách tay… cũng theo đó phát triển tràn lan trên mạng, không sợ sự kiểm soát, xử phạt của các cơ quan chức năng. Ngay cả các vấn đề phát sinh như thuế, an toàn bảo mật, bảo vệ thông tin cá nhân, kiểm tra – xử phạt cũng gây nhiều khó khăn, trở ngại cho các cơ quan thực thi hành pháp.
Do đó, kế hoạch 2014 – 2015, Bộ Công Thương sẽ tập trung sửa đổi Thông tư 12/2013/TT-BTC, đưa trách nhiệm của chủ các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội đối với thông tin của người bán vào Thông tư. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường công tác kiểm tra các website bán hàng, sàn giao dịch TMĐT…; thẩm quyền thanh tra, xử phạt cho các thanh tra chuyên ngành; đồng thời xây dựng quy định quy chế thực hiện Chương trình Phát triển TMĐT quốc gia.
Hải Yên