Ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến trong sản xuất lúa

Ngày 29/5, tại xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần (Viện cây lương thực và cây thực phẩm) tổ chức Hội thảo đầu bờ xây dựng mô hình Ứng dụng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến trên giống lúa mới Gia Lộc 516 tại một số địa phương tỉnh Hưng Yên.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham quan mô hình trồng lúa Gia Lộc 516 tại xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: TTXVN

Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần Phạm Văn Tính cho biết, vụ Xuân năm 2024, Trung tâm triển khai 5 mô hình trồng giống lúa Gia Lộc 516 ở các huyện Văn Lâm, Kim Động, Phù Cừ và Tiên Lữ, với diện tích 100 ha. Giống lúa trong mô hình được so sánh đối chứng với giống lúa Bắc thơm số 7 (đang được cấy đại trà ở nhiều nơi).

Theo ông Phạm Văn Tính, toàn bộ diện tích lúa trong mô hình được ứng dụng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến như: Gieo cấy bằng máy và gieo sạ bằng máy phun hạt; tưới nước tiết kiệm, sử dụng chế phẩm sinh học, bón phân bằng máy; phun thuốc bảo vệ thực vật khi đến ngưỡng theo quy tắc 4 đúng (đúng thuốc - đúng liều - đúng lúc - đúng cách) và phun bằng thiết bị bay không người lái. Kết quả cho thấy, lúa Gia Lộc 516 có khả năng chống chịu sâu, bệnh hại, cứng cây và chống đổ tốt hơn so với giống đối chứng. Năng suất lúa dự kiến đạt 230 - 250 kg/sào, cao hơn từ 17 - 29% so với giống đối chứng Bắc thơm số 7.

"Việc ứng dụng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến sẽ giúp nông dân tiếp cận với giống mới, kỹ thuật canh tác mới để đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải phóng sức lao động và phù hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiến tới hình thành các vùng sản xuất lúa quy mô lớn, góp phần bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững", ông Phạm Văn Tính cho biết thêm.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên Trần Tùng Chuẩn, thực hiện dự án "Tăng cường khảo nghiệm để phát triển nhanh những giống cây trồng mới phục vụ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2021 - 2025", thời gian qua, tỉnh đã lựa chọn những giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Điển hình như các giống lúa TBR 279; TBR 87; TBR 88; lúa thuần Hương Bình; Gia Lộc 516...

Ông Trần Tùng Chuẩn nhấn mạnh, mô hình Ứng dụng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến được áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác và quản lý dịch hại giúp tiết kiệm được chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với ngành Nông nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần cập nhật, lựa chọn các giống lúa tốt, phù hợp với mục tiêu sản xuất của tỉnh để khảo nghiệm và phát triển giống trong sản xuất. Đồng thời, Trung tâm đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mới có nguồn gốc sinh học, thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và sau thu hoạch.

M.N (TTXVN)
Long An sẽ hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao 125.000 ha
Long An sẽ hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao 125.000 ha

Ngày 29/5, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN