Tham dự có đại diện các đơn vị, địa phương cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trong tỉnh.
Tại hội nghị, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã trình bày khái quát về Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, các nội dung cần triển khai trong thời gian tới. Đồng thời, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp.
Theo ông Lê Thanh Tùng, việc thực hiện đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Trong số đó, về canh tác lúa bền vững sẽ giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, SRP, tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.
Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” theo Quyết định 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Long An đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 60.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp (chiếm 1/3 chỉ tiêu của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2030 hình thành vùng chuyên canh có tổng diện tích 125.000 ha.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An đề nghị các địa phương trong vùng thực hiện đề án chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, bố trí kinh phí hoàn thiện các điều kiện ban đầu để triển khai đề án trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Cùng với đó, tập trung hỗ trợ và phát triển các hợp tác xã, đào tạo nhân lực quản lý hợp tác xã, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa bền vững; củng cố, phát triển hệ thống khuyến nông cộng đồng, đây sẽ là lực lượng thực hiện các nội dung đo đạc kiểm đếm giảm khí phát thải thời gian tới; tập trung tuyên truyền, vận động hướng dẫn nông dân áp dụng các nội dung theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp.
Bên cạnh đó, các hợp tác xã cần củng cố tình hình hoạt động, chủ động nâng cao năng lực, hoạt động để thu hút các thành viên tham gia; các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất, kinh doanh lúa gạo tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với hợp tác xã, góp phần xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ, hình thành chuỗi giá trị gạo chất lượng cao.