Năm 2030, Cần Thơ dự kiến có 48.000 ha lúa chất lượng cao

UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thành phố phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng được vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao với quy mô diện tích 38.000 ha và đến năm 2030 đạt 48.000 ha. Các địa phương được chọn để thực hiện đề án là các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và huyện Thới Lai.

Chú thích ảnh
Thí điểm 50 ha sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải thấp đầu tiên ở Cần Thơ. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN

Cụ thể đến năm 2025, vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp sẽ thực hiện giảm lượng giống gieo sạ xuống còn từ 80 - 100 kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. Đến năm 2030 giảm lượng lúa giống gieo sạ giảm xuống dưới 70 kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Đến năm 2030, 100% diện tích áp dụng một trong các quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, SRP, tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận (GAP và tương đương) và được cấp mã số vùng trồng. 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2025 đạt trên 50% diện tích và trên 32.000 hộ nông dân áp dụng quy trình canh tác bền vững. Đến năm 2030, tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt 70%, trên 42.000 hộ nông dân áp dụng quy trình canh tác bền vững.

Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch đến năm 2025 là dưới 10%; có 70% rơm ra tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng. Đến năm 2030, tỷ lệ thoát thoát sau thu hoạch là dưới 8% và 100% rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và tái sử dụng.  

Đến năm 2025, giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%; trong đó tỷ suất lợi nhận của người trồng lúa đạt trên 40%. Đến năm 2030, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo là 40%, tỷ suất lợi nhận của người trồng lúa đạt trên 50%. Đến năm 2030, lượng gạo xuất khẩu và phát thải thấp đạt trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh…

Để thực hiện các mục tiêu trên, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ sẽ triển khai hàng loạt các nội dung, giải pháp từ nay đến năm 2030; trong đó tập trung vào thực hiện một số nội dung, giải pháp như: Xây dựng vùng triển khai Đề án; rà soát, áp dụng, hoàn thiện các gói kỹ thuật đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững; hỗ trợ và phát triển vùng canh tác bền vững; tổ chức sản xuất và nâng cao năng lực cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và các đối tác tham gia phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện đề án; đầu tư nâng cấp hạ tầng tại vùng canh tác; hỗ trợ liên kết sản phẩm với doanh nghiệp;…

Ngay trong năm 2024, thành phố Cần Thơ sẽ thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý thực hiện Đề án; tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền; khảo sát vùng tham gia đề án đảm bảo các điều kiện tiêu chí, số liệu nền; thành lập đội ngũ cán bộ chuyên môn tiếp thu các quy trình kỹ thuật, tài liệu do các cơ quan chuyên môn chuyển giao nhằm hỗ trợ kỹ thuật và các hoạt động chuyên môn khác cho nông dân.

Thành phố Cần Thơ hiện có 144.000 ha đất tự nhiên; trong đó gần 80% diện tích đất nông nghiệp. Tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm hiện nay là trên 205.000 ha, sản lượng đạt trên 1,3 triệu tấn; trong đó tập trung tại 3 huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai với diện tích gieo trồng là 181.000 ha, sản lượng trên 1,1 triệu tấn, chiếm 88% tổng diện tích gieo trồng của thành phố.

Thông qua kết quả của Dự án VnSAT trình độ sản xuất của người dân đến nay đã được nâng lên; cơ cấu giống lúa chất lượng cao và các giống lúa thơm, đặc sản được nông dân trên địa bàn sử dụng để gieo trồng chiếm tỷ lệ trên 95%; tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận chiếm trên 95%, lượng lúa giống gieo sạ từ 80-120 kg/ha. Lượng phân hóa học, chủ yếu là phân đạm nguyên chất được sử dụng từ 90-100 kg/ha; tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học chiếm từ 10-15%; tỷ lệ áp dụng giải pháp tưới ngập khô xen kẻ đạt trên 75% diện tích trong vùng Dự án VnSAT, tương đương 28.000 ha với 21.600 hộ.

Thành phố Cần Thơ cũng đã xây dựng 34 tổ chức nông dân tham gia chuỗi giá trị lúa gạo. Có 8 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất vào bao tiêu, tiêu thụ lúa hàng năm với quy mô diện tích liên kết là 25.959 ha. Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ là 95%, khâu bón phân và khâu thu hoạch đạt 100%, khâu phun thuốc, điều trị bệnh là 90%. Tỷ lệ áp dụng máy bay không người lái trong phun thuốc, bón phân và gieo sạ chiếm khoảng 30% trong khâu chăm sóc…

 

Ngọc Thiện (TTXVN)
Khởi động cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Khởi động cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sáng 5/4, tại Hợp tác xã Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ), Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và các đơn vị liên quan tổ chức khởi động cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp thuộc Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" (Đề án 1 triệu ha lúa).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN