Uber cam kết thay đổi cách thức kinh doanh sau vụ bê bối mới

Các nhà điều hành Uber đang nỗ lực trấn an dư luận rằng hãng cung cấp dịch vụ xe đi chung nổi tiếng thế giới này đang thay đổi cách thức kinh doanh sau bê bối che giấu vụ đánh cắp thông tin khách hàng gây ảnh hưởng uy tín của Uber.

Một khách hàng sử dụng điện thoại di động để gọi dịch vụ xe của Uber. AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố, Uber đã cam kết thay đổi chiến thuật kinh doanh, coi sự minh bạch là cốt lõi trong mọi quyết định của hãng và nỗ lực lấy lại lòng tin của khách hàng. Trong khi đó, phát biểu ngày 27/11 tại thủ đô Tokyo, nơi ông sẽ có các cuộc gặp với giới chức Nhật Bản và các đối tác kinh doanh tiềm năng, Giám đốc kinh doanh Uber tại châu Á-Thái Bình Dương Brooks Entwistle cho biết Uber đang thay đổi cách thức kinh doanh nhằm giải quyết mối quan ngại của các nhà quản lý và các chính phủ trên thế giới.

Vụ việc thông tin khách hàng Uber bị đánh cắp xảy ra hồi cuối năm 2016. Tin tặc đã phá vỡ "tường lửa", đột nhập hệ thống máy chủ của Uber và đánh cắp những dữ liệu bao gồm tên, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại của 57 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Uber trên toàn thế giới, cùng với tên và thông tin bằng lái xe của khoảng 600.000 tài xế Uber. Theo một nguồn tin nội bộ, Uber đã phải trả cho tin tặc 100.000 USD để xóa bỏ các dữ liệu đánh cắp nói trên, đồng thời tìm cách giấu giếm vụ việc và không đưa ra cảnh báo với những khách hàng của Uber.

Vụ bê bối che giấu việc tin tặc đánh cắp thông tin đã ảnh hưởng ít nhiều đến nỗ lực mở rộng thị trường kinh doanh của Uber trong bối cảnh taxi truyền thống và các hãng cung cấp dịch vụ đi xe đang cạnh tranh khốc liệt. Giới chức nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Mexico, Australia và Philippines cũng đã mở cuộc điều tra đối với Uber về vụ bê bối trên.


Uber, được thành lập vào năm 2009 tại bang California, là hãng chuyên cung cấp dịch vụ xe đi chung cho khách hàng sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh trực tiếp kết nối với lái xe và được trả một mức giá rẻ hơn so với các hãng taxi truyền thống. Kể từ khi đi vào hoạt động, Uber đã mở rộng dịch vụ của mình tới hơn 450 thành phố tại 76 quốc gia trên toàn thế giới, mang tới nhiều lựa chọn mới cho cả người dùng và người lái. Tuy nhiên, hãng cũng đối mặt với nhiều phản đối từ các doanh nghiệp taxi vì cho rằng hình thức này không tuân thủ các quy tắc của taxi truyền thống.

TTXVN/Báo Tin tức
Tại sao Uber không thể phát triển mạnh tại Thụy Sĩ?
Tại sao Uber không thể phát triển mạnh tại Thụy Sĩ?

Trong khi Uber và Grab đang đặt ra bài toán quản lý tại Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới, thì Thụy Sĩ đã đưa loại hình kinh doanh này vào diện quản lý rất chặt chẽ và đưa ra những quy định nhằm hạn chế những ưu thế cạnh tranh của Uber so với taxi truyền thống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN