Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty Vrice cho biết, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, sau đó đến Nga và UAE cấm tái xuất gạo cho đến đầu năm 2024 đang khiến cho thị trường gạo nói riêng, lương thực nói chung trở nên xáo trộn. Các nước nhập khẩu gạo phải tranh thủ đặt hàng gấp dẫn đến giá thị trường bị đẩy lên cao, hiện giá gạo đã tăng từ 10 - 15% so với trước khi có lệnh cấm.
Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với sản lượng không nhiều. Nếu khách có nhu cầu mua gạo trắng tăng, doanh nghiệp trong nước cũng không có nguồn cung để bán.
Ông Phan Văn Có phân tích, mục đích của các nước cấm xuất khẩu gạo để ổn định giá gạo trong nước và duy trì ổn định lượng gạo dữ trữ cho an ninh lương thực quốc gia; khi thu hoạch mùa vụ mới họ sẽ xuất khẩu trở lại. Hiện tại giá gạo xuất khẩu rất cao nên khả năng tiếp tục tăng mạnh sẽ không nhiều. Các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay cần cân nhắc thu mua gạo vừa đủ cho việc giao hàng và dự trữ ở mức vừa phải. Nếu dữ trữ nhiều ở thời điểm giá mua vào quá cao để giao hàng xa, khả năng lớn sẽ lỗ.
Về phía Công ty Việt Hưng, Giám đốc Nguyễn Văn Đôn cho biết, sau thông tin Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo, giá gạo ở trong nước đã tăng phi mã. Điều này có lợi cho người trồng lúa khi nhiều tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa Hè Thu và bán được giá cao. Tuy nhiên, giá gạo trên thị trường trong nước cũng tăng cao, trung bình từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp.
Thêm vào đó, với các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng từ trước và tới hạn giao hàng nhưng không còn gạo trong kho buộc phải mua với giá cao và chấp nhận lỗ để giữ uy tín với khách hàng. Các doanh nghiệp khác cũng khá dè dặt khi mua gạo dự trữ vì hiện tại giá quá cao nhưng chỉ cần Ấn Độ thay đổi chính sách, cho xuất khẩu trở lại, giá gạo chắc chắn sẽ giảm nhanh. Như vậy, việc giá gạo tăng cao hiện nay vừa là cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam nhận định, năm 2023 khá nhiều thuận lợi cho ngành lúa gạo Việt Nam khi xuất khẩu gạo đạt được mức giá tốt nhất so với nhiều năm trước. Lượng gạo xuất khẩu cũng tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước do nhiều quốc gia lo ngại về an ninh lương thực. Tuy nhiên, bên cạnh thành công đó cũng có những vấn đề phát sinh liên quan đến lượng tồn kho trong nước, nguồn vốn thu mua…
Đối với việc cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá, Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm tới 40% sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Chính vì thế, bất kỳ một động thái nào về chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng ảnh hưởng lớn đến các nước, đặc biệt các nước sử dụng gạo làm lương thực chính.
Từ nhiều tháng trước khi Ấn Độ có lệnh cấm xuất khẩu gạo, vấn đề lương thực đã được nhiều quốc gia quan tâm do lo ngại những tác động tiêu cực từ hiện tượng El Nino và hạn hán. Các quốc gia phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu có xu hướng đẩy giá gạo lên cao để có thể thu mua dự trữ nhanh hơn.
Trong bối cảnh đó, việc Ấn Độ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu có hiệu lực ngay lập tức tạo nên cơn sốt giá trên diện rộng. Tại Việt Nam, giá thu mua gạo đã tăng khá cao, so với thời điểm chưa có lệnh cấm của Ấn Độ. Việc tăng giá đột ngột đang khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc đưa ra quyết định cho các hợp đồng mua mới vì chưa xác định được mức độ tăng giá.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều ký hợp đồng bán trước sau đó mới mua vào chứ không có sẵn lượng dự trữ lớn trong kho, một phần do vấn đề vốn và điều kiện kho bãi. Vì vậy, Hiệp hội Lương thực khuyến cáo, các doanh nghiệp hạn chế ký đơn hàng mới, tập trung vào việc thu mua để đảm bảo lượng tồn kho đủ cho đơn hàng đã ký trước. Việc này một mặt đảm bảo việc thu mua lúa kịp thời cho người nông dân đang thu hoạch vụ Hè Thu, đồng thời tránh các rủi ro thiếu nguồn cung do ký quá nhiều đơn hàng trong bối cảnh giá cả biến động mạnh.
Để tạo thuận lợi cho việc thu mua, xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam mong muốn, các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp nguồn vốn vay lưu động mua hàng vào; đồng thời, xem xét kéo dài thời hạn để doanh nghiệp cân nhắc thời điểm bán hàng phù hợp hơn, tránh rủi ro. Song song đó, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có khuyến cáo để tránh tình trạng nông dân quay lại mở rộng diện tích sản xuất lúa gạo khiến việc chuyển đổi cây trồng không theo kế hoạch đề ra.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, diện tích lúa của Việt Nam đang được điều chỉnh giảm theo chủ trường chuyển đổi cây trồng và tập trung nâng cao chất lượng. Nhiều năm nay, ngoài đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước, Việt Nam chỉ duy trì xuất khẩu ở mức 6,2 - 6,5 triệu tấn/năm. Riêng năm 2022 xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn nên hầu như doanh nghiệp không còn gạo tồn kho. Hiện nay người dân đang thu hoạch rộ vụ Hè Thu và chuẩn bị cho vụ Thu Đông nhưng đây không phải là vụ có sản lượng lớn nhất trong năm nên nguồn cung cho xuất khẩu không tăng, thậm chí có thể giảm nhẹ.
Mặt khác, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ phục vụ chế biến nhưng hiện đang bị dừng theo lệnh cấm. Dựa trên đánh giá tổng thể nguồn cung, dự báo cả năm xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,5 triệu tấn, rất khó để lên 7 triệu tấn như một số ý kiến trước đó, dù nhu cầu thế giới tăng cao.
Trước đó, ngày 20/7 Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng; đến cuối tháng 7, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ban hành lệnh cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo trong 4 tháng, cùng lúc Nga cũng tuyên bố cấm xuất khẩu gạo tạm thời.