Trung Quốc hết dư địa chính sách để cứu chứng khoán?

Trung Quốc đã có động thái đỡ thị trường chứng khoán trong ngày hôm nay (5/1), với việc để các quỹ nhà nước mua vào cổ phiếu, phát đi tín hiệu tiếp tục gia hạn lệnh cấm bán chứng khoán ra thị trường đối với các cổ đông lớn trong các công ty niêm yết.

Hãng tin Bloomberg ngày 5/1 dẫn một nguồn tin giấu tên tại đại lục cho biết, các quỹ của chính phủ trong ngày đã tăng cường hoạt động mua vào, sau khi chứng khoán Trung Quốc có phiên khai màn đầu năm mới tệ nhất trong lịch sử, với việc chỉ số CSI 300 giảm tới 7% và buộc phải ngừng phiên giao dịch. Ủy ban Giám sát Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cũng phát đi thông điệp cấm bán nhằm vào các cổ đông lớn tại các công ty niêm yết và lệnh này sẽ tiếp tục được duy trì sau ngày 8/1 - thời điểm hết hiệu lực theo dự kiến ban đầu.

Cảnh trong phiên giao dịch ngày 4/1 tại một sàn giao dịch ở Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images

Những diễn biến mới này cho thấy, các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực ngăn chặn đà báo tháo trên thị trường sau cú bốc hơi 590 tỉ USD vốn hóa trong ngày 4/1. Thế nhưng từng đó là chưa đủ. Phiên giao dịch ngày 5/1 chứng kiến nhiều đợt rung lắc mạnh, với chỉ số Shanghai Composite chốt phiên giảm 8,548 điểm (0,26%), xuống còn 3.287,710 điểm. “Thị trường được hỗ trợ bởi hoạt động mua vào của các quỹ nhà nước và đó sẽ là trụ đỡ cho cổ phiếu trong ngắn hạn. Nhưng về mặt dài hạn, thị trường cần phải có được sức mạnh chống đỡ của chính nó. Không thể lúc nào cũng phụ thuộc vào nhà nước”, ông Wang Zheng, nhà đầu tư trưởng tại Công ty Quản lý quỹ đầu tư Jingxi có trụ sở tại Thượng Hải bình luận. 

Trong ngày giao dịch đầu tiên của năm, điểm mới nhất là cơ chế “tự động ngắt mạch” (circuit breaker) chính thức có hiệu lực. Theo cơ chế này, nếu chỉ số CSI 300 giảm tới 5%, hệ thống sẽ ngừng giao dịch trong vòng 15 phút và nếu mức giảm đến 7% thì thị trường sẽ đóng cửa sớm. Nhà điều hành từng hy vọng, biện pháp này sẽ giúp nâng cao tính ổn định của thị trường, thế nhưng thực tế chưa hẳn là như vậy. Sau khi CSI 300 giảm 5% trong phiên ngày 4/1, tâm lý hoảng loạn không có dấu hiệu dừng lại. Bằng chứng là thị trường chỉ cần 7 phút sau “15 phút nghỉ ngơi” để xuyên thủng ngưỡng giảm 7% với lượng cổ phiếu giao dịch đạt mức kỉ lục trong ngày.

Một số chuyên gia cho rằng, cơ chế “tự động ngắt mạch” là khá mới mẻ, dễ gây ra tác động ngược tại một thị trường mà 80% lượng giao dịch được thực hiện bởi 99 triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ bị tâm lý đám đông chi phối. “Tự động ngắt mạch làm gia tăng áp lức bán và tâm lý hoảng loạn khi chỉ số chạm ngưỡng. Nhà đầu tư chưa quen với hình thức này và cần thêm thời gian để làm quen với cơ chế mới”, ông  Zhang Gang, một nhà chiến lược tại Công ty Chứng khoán trung ương Trung Quốc nhìn nhận. Luan Shaofei, người đứng đầu bộ phận quản lý dòng tiền tại Quỹ Changan thì nói rằng, nhà đầu tư e sợ sẽ không có cơ hội để đặt lệnh bán một khi cơ chế “tự động ngắt mạch” được kích hoạt và hình thức này hạn chế thanh khoản thị trường, làm giá cổ phiếu lên xuống nhanh chóng. 

Sau khi Shanghai Composite lập mức đỉnh hôm 12/6/2015, chứng khoán Trung Quốc đã phải trải qua một mùa hè bấn loạn, khi mà tất cả các chỉ số đều lao dốc mạnh, với khoảng 5.000 tỉ USD bốc hơi khỏi thị trường so với mức đỉnh. Tháng 7/2015, nhà chức trách đã phải đưa ra một loạt các biện pháp can thiệp theo hướng cả “hữu hình” lẫn “vô hình” để “cứu” chứng khoán, từ quy định cấm các cổ đông lớn (sở hữu trên 5%) bán chứng khoán trong vòng 6 tháng, cho phép các quỹ hưu trí sử dụng tối đa 30% tổng tài sản đầu tư vào cổ phiếu, nới lỏng chính sách tiền tệ, can thiệp mua vào cho đến giám sát, xử lý nghiêm các giao dịch nội gián, đầu cơ… Tập đoàn Goldman Sachs (Mỹ) cho rằng, chính phủ Trung Quốc đã phải bỏ ra 236 tỉ USD để đẩy mạnh hoạt động mua vào từ giữa tháng 6 đến hết tháng 8/2015.

Giới phân tích nhận định, nhà điều hành Trung Quốc có thể sẽ phải có biện pháp để ngăn chặn đà suy giảm cũng như hiệu ứng tuyết lở của thị trường. “Đương nhiên, CSRC không muốn chứng kiến tình cảnh trong phiên giao dịch ngày 4/1 và họ có thể sẽ hành động để chặn tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư. Không thể biết được họ sẽ làm gì khi tình hình xấu đi”, ông Steve Leung, quan chức điều hành tại Công ty môi giới chứng khoán UOB Kay Hian (Hong Kong) nói.
Hoài Thanh (Theo Bloomberg)
Mở cửa phiên 5/1, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục đi xuống
Mở cửa phiên 5/1, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục đi xuống

Chứng khoán Trung Quốc mở cửa giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 5/1 sau khi đã phải ngừng giao dịch sớm trong phiên trước đó theo cơ chế “tự ngắt” vì để mất đến 7% giá trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN