Trung Quốc đặt mục tiêu cải cách kinh tế 2015

Trung Quốc đã kết thúc Hội nghị công tác kinh tế trung ương vào ngày 11/12, trong đó đề ra một lộ trình đẩy mạnh hơn nữa các cải cách kinh tế được kêu gọi lần đầu tiên tại Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ ba hồi năm ngoái. 

Hội nghị lần này nổi bật với các phát biểu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, đồng thời tái khẳng định cam kết của Trung Quốc về "sự bình thường mới" đối với tăng trưởng kinh tế chậm hơn nhưng bền vững hơn. 

Người dân mua sắm tại siêu thị ở thành phố Thương Châu.


Theo định nghĩa của Tân Hoa Xã, "sự bình thường mới" có nghĩa là "một sự chuyển đổi từ tăng trưởng với tốc độ cao sang tốc độ từ trung bình đến cao, một sự chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng tập trung vào số lượng và tốc độ sang chất lượng và hiệu quả, một sự chuyển đổi từ nhấn mạnh mở rộng sản xuất sang cải thiện sản xuất hiện tại, và một sự chuyển đổi từ tăng trưởng được thúc đẩy bởi các động cơ thông thường sang ngày càng được thúc đẩy bởi các động cơ mới". Quan trọng nhất,"sự bình thường mới" sẽ là dấu chấm hết cho những năm tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hai con số được thúc đẩy chủ yếu bởi đầu tư chính phủ và xuất khẩu. Mô hình phát triển đó phần lớn đã chạy hết lộ trình của nó và hiện không bền vững về dài hạn. Theo đó, Trung Quốc đang tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa và dịch vụ.

Ngoài các quan ngại kinh tế thuần túy, tuyên bố của hội nghị cho biết việc chuyển sang một "sự bình thường mới" cũng đang được thúc đẩy bởi các yếu tố xã hội. Đứng đầu trong số các yếu tố này là "một xã hội đang lão hóa và lực lượng lao động nông thôn đang suy giảm" cũng như "những thúc ép lớn hơn về môi trường và năng lượng". Thực tế về nhân khẩu học đồng nghĩa với việc Trung Quốc không còn có thể dựa vào việc sở hữu một lực lượng lao động đông đảo và tương đối rẻ - “xương sống” hiện nay của mô hình kinh tế do xuất khẩu dẫn dắt của Trung Quốc. Thêm vào đó, các quan ngại về môi trường của người dân Trung Quốc đang buộc chính phủ nước này phải tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng "xanh", phương thức tăng trưởng đòi hỏi cần có điều chỉnh đối với những nền tảng kinh tế hiện nay của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, trong khi chuyển sang "sự bình thường mới", Bắc Kinh vẫn cam kết sẽ duy trì một mức tăng trưởng nhất định. Mục tiêu tăng trưởng của năm nay đã được ấn định ở mức 7,5%. Tuy nhiên, các quan chức đã nhiều lần nói rõ rằng đây là một mục tiêu "mềm", có nghĩa là tăng trưởng xuống thấp hơn một chút con số kỳ vọng này là có thể chấp nhận được. 

Thậm chí ngay cả khi bày tỏ mối quan tâm về việc tăng trưởng đang chậm lại cũng như các thách thức về cơ cấu đối với nền kinh tế Trung Quốc, Hội nghị công tác kinh tế trung ương nhìn chung khá lạc quan. Tuyên bố của hội nghị nói rằng Trung Quốc đã được dự báo đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2014, bất chấp những lo ngại về xu hướng tăng trưởng chậm lại chưa được giải quyết.  

Không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ hoàn toàn từ bỏ các mục tiêu tăng trưởng. Có lẽ, cách quan trọng nhất là giới lãnh đạo Trung Quốc có thể đưa ra chỉ dấu về sự cam kết của mình đối với tăng trưởng bền vững hơn là tăng trưởng nhanh. Một bài xã luận trên mạng tin Caixin.com lưu ý rằng đã đến thời điểm Trung Quốc thoát khỏi sự gắn chặt vào các mục tiêu tăng trưởng GDP và thay vào đó cần tập trung nâng cao GDP bình quân đầu người.

Hội nghị công tác kinh tế trung ương đã nói rằng Trung Quốc sẽ thiết lập một mục tiêu tăng trưởng "hợp lý" cho năm tới. Hầu hết các chuyên gia phân tích dự đoán mục tiêu 7% khi một thông báo chính thức đã được đưa ra hồi tháng 3 vừa qua.
 
Tuyên bố bế mạc Hội nghị công tác kinh tế trung ương đã cam kết sẽ khuyến khích các công ty Trung Quốc vừa đầu tư ở nước ngoài, vừa mở rộng hoạt động ở các quốc gia khác. Ngoài ra, Hội nghị kinh tế trung ương Trung Quốc cho biết nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy đồng nhân dân tệ như là một đồng tiền quốc tế.  


Quang Hòa(Theo thediplomat.com)

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục có dấu hiệu mất đà
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục có dấu hiệu mất đà

Các số liệu mới đây cho thấy kinh tế Trung Quốc tiếp tục có dấu hiệu mất đà. Trong tháng 10/2014, hoạt động sản xuất công nghiệp tại nước này thấp hơn mức 8% trong tháng 9/2014 và dưới mức dự báo 8% của các nhà phân tích trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN