Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các vườn rau được trồng hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP hiện nay trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng mới đủ nguồn cung cấp cho một bộ phận nhỏ người dân. Do vậy, mô hình trồng rau thủy canh mới ra đời hiện nay tại Thanh Hóa đang từng bước phát huy hiệu quả, góp phần giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn cho bữa ăn hàng ngày đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm….
Đi vào hoạt động và xuất bán lứa rau thương mại đầu tiên vào năm 2018, hiện nay trang trại rau thủy canh Queen Farm của anh Trần Văn Tân, thôn Dục Tú, xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, được đánh giá là mô hình có quy mô lớn nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Chia sẻ về cơ duyên chọn mô hình trồng rau thủy canh để khởi nghiệp anh Tân cho biết, năm 2017, trong một lần được đi thăm quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Nhật Bản cùng Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Thanh Hóa, anh thực sự thán phục trước cách làm nông nghiệp của người dân Nhật Bản. Trở về nước, sau một thời gian nghiên cứu, năm 2017, được chính quyền tạo điều kiện, anh chuyển đổi 7,5 ha đất nông nghiệp để làm nông nghiệp công nghệ cao.
Ban đầu anh Tân xây dựng 1 ha nhà lưới để trồng dưa Taki với thiết bị lắp đặt được nhập từ Nhật Bản và được các chuyên gia Nhật Bản tư vấn, giám sát thi công, cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật. Hệ thống tưới được lập trình tự động và cung cấp lượng thức ăn đủ chất dinh dưỡng cho quá trình sinh trưởng, phát triển. Mỗi năm dưa Taki trồng trong nhà lưới được 4 vụ với tổng sản lượng đạt 260 tấn/ha. Hiện trang trại dưa của anh Tân sắp đón chứng nhận dưa VietGAP và phấn đấu xây dựng thương hiệu GlobalGAP vào cuối năm 2019 để xuất đi các thị trường Dubai, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Từ thành công ban đầu, anh Tân xây lắp thêm 1 khu nhà lưới diện tích 2.500 m2 để trồng rau thủy canh, Theo tính toán, mỗi năm trang trại của anh có thể trồng 15 - 17 vụ rau; chi phí 1 ha nhà lưới theo công nghệ Nhật Bản mất khoảng 25 tỷ đồng cùng với 300 triệu đồng tiền mua hạt giống/năm sẽ thu về 350 tấn rau. Nếu chỉ tính giá bình quân 20 triệu đồng/tấn thì từ rau thủy canh, mỗi năm cũng thu về trên 4 tỷ đồng.
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, nhìn khu nhà lưới với đủ các loại rau thủy canh mơn mởn, không hề bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng kéo dài, anh Trần Văn Tân chia sẻ, yếu tố quan trọng trong trồng rau thủy canh là nguồn nước và công thức pha chế hỗn hợp dinh dưỡng. Nguồn nước để sử dụng là nước máy sạch, dinh dưỡng được hòa vào nước theo công thức phù hợp rồi tự động dẫn tới các máng trồng. Sau đó, lượng nước được thu hồi, đưa trở lại bơm tổng để lọc và quay lại chu trình tưới. Toàn bộ quy trình sản xuất, thông số dinh dưỡng được các nhân viên kỹ thuật kiểm tra thường xuyên bằng các dụng cụ chuyên dùng, thực hiện điều chỉnh để bảo đảm điều kiện sinh trưởng tốt nhất cho cây trồng.
Vì được che chắn, không phải tiếp xúc với đất, lại được trồng trên máng cao nên mô hình hạn chế được sự lây lan của sâu bệnh, không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Hiện tại, trang trại rau thủy canh của anh hiện có khoảng 20 loại rau ăn lá được sản xuất thành công qua mô hình này, từ một số loại rau thông thường, như: rau muống, rau đay, xà lách, rau gia vị phục vụ sinh hoạt hàng ngày, đến một số loại rau cao cấp, như: rau chân vịt, cải xoăn Kale, cải Mizuna, cải Tatsoi Nhật Bản phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn cao cấp...
Với quy trình sản xuất khép kín, tuân thủ nghiên ngặt kỹ thuật, các sản phẩm rau, củ quả được trồng theo phương pháp thủy canh tại Queen Farm đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh Thanh Hóa cung cấp mã vạch để truy xuất nguồn gốc…
Được Công ty cổ phần Nông nghiệp hiện đại Tiến Nông chuyển giao công nghệ, chị Hoàng Thị Thơ đã thuê đất tại thôn Hiệp Khởi, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn để xây dựng 1.000 m2 nhà lưới để trồng rau thủy canh. Đầu tháng 1/2019, lứa rau đầu tiên được trồng, đến thời điểm này đã bắt đầu cho thu hoạch cung ứng cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Chị Hoàng Thị Thơ cho biết, trồng rau thủy canh phải tuân thủ kỹ thuật mới đạt năng suất, chất lượng cao. Hạt giống được gieo khoảng 5 đến 8 ngày cho nảy mầm, sau đó đưa lên giàn thủy canh khoảng 20 - 25 ngày sẽ cho thu hoạch. Tùy từng loại rau, thời gian có thể ngắn hơn hoặc kéo dài hơn vài ngày. Với 1.000 m2 nhà lưới, hiện tại, trang trại đã cung ứng cho thị trường từ 50 - 60 kg rau sạch mỗi ngày. Ưu điểm của rau thủy canh là rút ngắn thời gian sinh trưởng, năng suất, chất lượng sản phẩm cao nên thu nhập cao hơn hẳn so với sản xuất rau truyền thống. Mặc dù giá cao hơn các sản phẩm rau thông thường, nhưng hiện tại làm ra vẫn không đủ nguồn cung, vì nhu cầu sử dụng nguồn rau sạch hiện nay trong dân là rất lớn…
Ông Đỗ Văn Kỳ, Trưởng phòng Trồng trọt - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn thực phẩm an toàn, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trồng rau thủy canh, ứng dụng công nghệ của Israel, công nghệ Nhật Bản để sản xuất từng loại rau theo công thức dinh dưỡng khác nhau.
Hiện, toàn tỉnh đã xây dựng được 5 mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới, tập trung ở các huyện: Đông Sơn, Thọ Xuân, Quảng Xương, Triệu Sơn, Hoằng Hóa và thành phố Thanh Hóa. Với diện tích trồng rau thủy canh đã xây dựng nói trên, mỗi ngày các mô hình này đang cung ứng ra thị trường khoảng gần 2 tấn các loại rau thủy canh, với giá bán cao gấp 2,5 đến 4 lần rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và gấp 6 đến 8 lần so với rau trồng đại trà. Sắp tới, Sở phối hợp với các địa phương có cơ chế, chính sách khuyến khích để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao này…