Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân xuống đồng lấy nước, làm đất

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân Thủ đô xuống đồng lấy nước, làm đất được 21.636 ha, gieo cấy 1.927 ha lúa xuân. Địa phương có nhiều diện tích đã gieo cấy là huyện Ứng Hòa 673 ha, huyện Ba Vì 525 ha, thị xã Sơn Tây 334,98 ha…

Chú thích ảnh
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lai Thường (xã Lai Thường, huyện Thạch Thất) tích cực gieo cấy hơn 70ha lúa vụ Đông Xuân theo đúng khung thời vụ. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Đến nay, nông dân các địa phương đã tổ chức cấy được hơn 2.000 ha, bằng khoảng 2,4% so với kế hoạch. Các huyện Ứng Hoà, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ba Vì, Sóc Sơn là những nơi đang dẫn đầu về tỷ lệ làm đất, gieo cấy lúa Xuân.

Trên cánh đồng thôn Thế Trạch, nông dân xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn tranh thủ thời tiết thuận lợi xuống đồng lấy nước đổ ải, nhanh tay cuốc đất, be bờ dẫn nước vào ruộng. Theo chị Nguyễn Thị Nụ, những năm gần đây, cơ giới hoá được đưa vào sử dụng thay thế sức người giúp việc làm đất của gia đình chị và các nông hộ bớt đi nhiều vất vả.

Cùng với cây lúa, rau màu các loại đang là loại cây trồng được nông dân nhiều địa phương tích cực canh tác. Ông Đàm Văn Đua - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) cho biết, sau Tết nguyên đán Quý Mão thời tiết thuận lợi, thành viên hợp tác xã vẫn duy trì canh tác hơn 200 ha rau tại vùng bãi ven sông Hồng. Đặc biệt, giá các loại rau thời điểm trước, trong và sau Tết duy trì tương đối ổn định nên nông dân phấn khởi, hăng say bắt tay vào sản xuất vụ mới ngay sau Tết.

Vụ Xuân 2023, Hà Nội phấn đấu đạt tổng diện tích gieo trồng là 101.712,4 ha; trong đó, diện tích lúa là 81.128 ha; rau các loại 9.351,7 ha; hoa 2.625,9 ha; ngô 3.574,9 ha; đậu tương  210,5 ha…

Để đảm bảo vụ xuân đạt hiệu quả cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội khuyến cáo các địa phương tập trung gieo cấy trà xuân muộn với hơn 80% diện tích. Gieo mạ đúng lịch thời vụ, tập trung từ ngày 20/1 đến 5/2, các địa phương cần hướng dẫn nông dân chủ động giải pháp chống rét; thực hiện che phủ ni lông 100% diện tích mạ đúng kỹ thuật (chú ý thu gom ni lông sau khi sử dụng, tránh gây ô nhiễm môi trường). Nếu thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, cần giữ đủ ẩm, bón thêm tro bếp, phân lân, tuyệt đối không bón đạm cho mạ; có kế hoạch gieo mạ dự phòng với tỷ lệ 5-10% bằng các giống lúa ngắn ngày để ứng phó kịp thời với diễn biến thời tiết.

Thời vụ cấy lúa Xuân muộn tập trung từ ngày 4/2 đến 28/2. Gieo sạ tập trung từ ngày 10/2 đến 20/2; không gieo mạ hoặc cấy vào những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ không khí dưới 15 độ C; không cấy mạ già; đặc biệt cần mở rộng diện tích làm mạ khay, cấy máy và diện tích gieo trồng lúa có áp dụng hệ thống canh tác cải tiến (SRI). Cây rau màu tập trung sản xuất trong tháng 2 đầu tháng 3.

Nam Giang (TTXVN)
Nô nức Lễ hội Lồng Tông - Ngày hội xuống đồng của dân tộc Tày tại Tuyên Quang
Nô nức Lễ hội Lồng Tông - Ngày hội xuống đồng của dân tộc Tày tại Tuyên Quang

Ngày 29/1, trong không khí vui xuân, chào đón năm mới Quý Mão 2023, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ hội Lồng Tông - Ngày hội xuống đồng, đây là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Sau 3 năm tạm dừng tổ chức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Lễ hội năm nay đã thu hút hàng nghìn người dân và du khách tới tham dự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN