Trên cánh đồng khoai tây lớn nhất thị xã Đông Triều tại xã Bình Dương, người dân đang phấn khởi thu hoạch lứa khoai tây Atlantic vụ Đông Xuân.
Bà Lê Thị Hanh (84 tuổi), thôn Bắc Mã 1, xã Bình Dương vui mừng cho biết vụ này bà trồng 7 sào hoa màu các loại, trong đó có 5 sào khoai tây. Tổng thu hoạch cho 5 sào khoai sau khi trừ chi phi đạt khoảng từ 20 triệu đồng. Bà Hanh chia sẻ, ở vùng này, khoai trồng không phải lo đầu ra vì chính quyền địa phương đã làm việc, kết nối với phía đơn vị thu mua nên làm ra bao nhiêu cũng bán được, kể cả trong thời kỳ dịch COVID-19 phức tạp.
Hộ anh Cao Văn Quân, thôn Bắc Mã 2, xã Bình Dương có 7 mẫu khoai tây. Hôm nay cùng với nhiều hộ dân ở địa phương xuống đồng đầu Xuân thu hoạch, anh mong muốn có một mùa bội thu. Anh Quân chia sẻ dự kiến sẽ dỡ khoảng 3 sào hôm nay, khoai dỡ đến đâu được thu mua tới đó. Anh hy vọng với việc liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ giữa người nông dân, nhà quản lý và doanh nghiệp, trong vụ tới doanh nghiệp sẽ cung ứng giống khoai tốt hơn, tăng giá thu mua để người nông dân cân đối chi phí đầu tư với lợi nhuận. Hiện, giá khoai tây đang được thu mua giao động trên dưới 7.000 đồng/kg, song giá phân bón, công lao động, vật tư nông nghiệp thời gian qua tăng hơn trước khá nhiều.
Vụ sản xuất khoai tây Đông Xuân 2021-2022, phường Bình Dương có gần 150 ha, dự kiến sản lượng đạt trên 2.000 tấn, doanh thu đạt khoảng 12 tỷ đồng.
Bí thư, Chủ tịch xã Bình Dương Nguyễn Văn Nhu thông tin, địa phương thực hiện theo chương trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với Viện Công nghệ sinh học và một công ty của Hàn Quốc. Toàn bộ khoai tây sau khi thu hoạch sẽ được chuyển về công ty với giá thu mua ổn định, được ký kết từ đầu vụ. Dự kiến, doanh thu bình quân khoảng 100 triệu đồng/ha, trừ chi phí, người dân trồng khoai thu về 70 - 75 triệu đồng/ha. Cây khoai tây đã mang lại hiệu quả và nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Cùng ngày, trên địa bàn thị xã Đông Triều, nhiều hộ dân đã xuống đồng làm đất, gieo cấy vụ Chiêm Xuân. Theo kế hoạch, toàn thị xã sẽ gieo cấy trên 4.300 ha lúa, trong đó 94% diện tích được dành cho các giống lúa chất lượng cao, có khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi về thời tiết, sâu bệnh, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ gạo, như: Bắc thơm, Hương thơm số 1, ĐT 120; ĐT 100, nếp cái hoa vàng...
Người dân tỉnh Quảng Ninh trong vụ Chiêm Xuân năm 2022 gieo trồng gần 32.000 ha lúa, trong đó trà Xuân muộn chiếm hơn 96% diện tích và là vụ lúa quan trọng trong năm. Các địa phương trong tỉnh đã chủ động bố trí cơ cấu trà, giống, thời vụ phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết, chế độ nước của địa phương nhưng vẫn bảo đảm nằm trong khung thời vụ chung của tỉnh.
Trong không khí hồ hởi xuống đồng ngày đầu Xuân, người dân Quảng Ninh kỳ vọng những khó khăn do dịch COVID-19 sẽ dần được đẩy lùi, toàn xã hội thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, các sản phẩm nông nghiệp của người nông dân sẽ được tiêu thụ thuận lợi, giá cả ổn định.