Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ hàng hải quan trọng của cả nước, nơi có hoạt động giao thương hàng hải và lượng ghe tàu đánh bắt hải sản trên biển rất tấp nập. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn tàu thuyền, phòng chống tai nạn, hỗ trợ cứu nạn đối với các phương tiện lưu thông và người đi biển tại vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là ưu tiên lớn.
Ngư dân Côn Đảo chuẩn bị cho một chuyến đánh bắt xa bờ. |
Hằng năm, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cũng như các tỉnh ven biển phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó, các hoạt động sản xuất của ngư dân và tàu thuyền trên biển chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất. Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mỗi năm trên vùng biển của tỉnh xảy ra khoảng 350 vụ việc liên quan đến tai nạn hàng hải.
Tuy nhiên, ý thức của ngư dân về bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền của ngư dân còn nhiều hạn chế. Thậm chí, theo các ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu, trước khi có gió bão hoặc áp thấp nhiệt đới thường xuất hiện nhiều cá. Vì vậy, nhiều tàu thậm chí cố tình lén lút ra khơi khi có áp thấp nhiệt đới để đánh bắt thêm. Do chủ quan nên các ngư dân rất dễ gặp tình huống khi biển động mạnh, tăng tốc vào bờ không kịp thì tàu xảy ra sự cố.
Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận và xử lý thông tin cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới của nhiều thuyền trưởng còn hạn chế, nên dẫn tới điều khiển tàu cá di chuyển phòng tránh bão thiếu hiệu quả, có khi còn bị rơi vào vùng xoáy nguy hiểm. Mặt khác, quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo đảm an toàn tàu cá còn nhẹ nên hiệu quả răn đe chưa cao.
Hiện nay, các đơn vị chức năng đóng trên địa bàn tỉnh như Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Vùng Cảnh sát biển III và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đóng vai trò tích cực bảo đảm an toàn hàng hải trên vùng biển và giảm bớt thiệt hại cho tàu thuyền, ngư dân. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên tổ chức tập huấn phổ biến các quy định về an toàn đối với tàu thuyền, tìm kiếm cứu nạn trên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo cho ngư dân trong tỉnh.
Đến nay, ngư dân cũng đã được Cục Hàng hải Việt Nam, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III giới thiệu về Công ước quốc tế về tìm kiếm cứu nạn hàng hải năm 1979 mà Việt Nam đã tham gia; các quy định về phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển cũng như các quy định về an toàn hàng hải, phương pháp liên lạc, cấp cứu y tế, kinh nghiệm thực tế trong tìm kiếm cứu nạn. Ngư dân cũng được nghe các khuyến cáo về thời tiết, kinh nghiệm thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm hiểu về các tín hiệu an toàn và ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo...
Các lực lượng chức năng cũng đã nhiều lần tổ chức phát áo phao cho ngư dân để bảo đảm an toàn khi đánh bắt hải sản, đồng thời nhắc nhở ngư dân nâng cao ý thức trang bị đầy đủ các phương tiện an toàn trước khi ra khơi.
Đoàn Mạnh Dương