Theo đó, những tháng còn lại của năm 2016, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế điều kiện của các doanh nghiệp theo hướng thông thoáng, phát huy tiềm lực, nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng giao thông.
Trong 9 tháng đầu năm 2016, Bộ GTVT đã hoàn thành 44 công trình, dự án để đưa vào khai thác, đồng thời hoàn tất công tác chuẩn bị để triển khai thi công 13 công trình, dự án. Kết quả thực hiện các dự án ước đạt trên 39.000 tỷ đồng, đạt 50,74%; giải ngân ước đạt gần 39.300 tỷ đồng, đạt 51,12% kế hoạch năm 2016.
Minh bạch, công khai thời gian, mức thu phí tại các trạm thu phí để người dân giám sát. Ảnh Huy Hùng - TTXVN |
Đặc biệt, lãnh đạo và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã chủ động đối thoại với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường bộ, vận tải biển, cảng biển, đường thủy nội địa, các hãng hàng không, kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Sản lượng vận tải 9 tháng đầu năm 2016 ước đạt 937,6 triệu tấn hàng và 2.710 triệu lượt hành khách, tăng 9,8% về sản lượng vận tải hàng hóa và 9,6% về hành khách so với cùng kỳ năm 2015.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, 9 tháng đầu năm nay, Bộ GTVT cũng đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Cienco 6, TEDI, Tổng công ty vận tải thủy, Vinamotor và thoái 23,18% vốn điều lệ tại Cienco5 với tổng giá trị thu nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại SCIC trên 2.000 tỷ đồng, bằng 134% giá trị mệnh giá.
Ngoài ra, Bộ GTVT đã hoàn thành việc chuyển giao quyền đại diện sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Thăng Long sang SCIC và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chuyển giao đối với 3 tổng công ty: Cienco 5, Cienco 8, Tổng công ty Xây dựng đường thủy; Công ty Tracimexco và 8 Công ty cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa…
Một vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là làm thế nào để minh bạch, chống thất thoát phí tại các trạm thu phí dự án BOT cũng đã được lãnh đạo Bộ GTVT nêu rõ. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, thời gian qua, Bộ đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam trực tiếp kiểm tra việc thu phí tại các dự án BOT và đã phát hiện nhiều tồn tại như: Các chủ đầu tư chưa thực hiện triệt để công nghệ thu phí một dừng và còn chậm triển khai công nghệ thu phí không dừng; quyết toán số thu trong ngày chưa kịp thời dẫn đến một số sai sót giữa số thu thực tế so với hệ thống dữ liệu giám sát thu phí... Bộ đã yêu cầu nhà đầu tư phải chấm dứt ngay tình trạng thu phí thủ công và tiếp tục theo dõi đối với các trạm thu phí này để làm cơ sở tính toán lại thời gian hoàn vốn.
Được biết, từ nay đến hết năm 2017, tất cả các dự án thu phí theo hình thức BOT sẽ được Bộ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và ngay tại các trạm thu phí về thời gian, mức thu phí của các dự án để nhân dân giám sát, kiểm tra.