Viện lý do sản xuất khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.HCM đã không thanh toán nợ bảo hiểm xã hội (BHXH).
Theo báo cáo của BHXH TP.HCM, hiện có hơn 2.918 DN nợ BHXH với số tiền lên đến 141 tỷ đồng. Trong đó, số DN ngừng hoạt động và phá sản chỉ có 74 DN, với số tiền nợ BHXH gần 7 tỷ đồng. Nhiều DN lí giải cho tình trạng nợ BHXH trong thời gian qua do kinh tế khó khăn, DN làm ăn thua lỗ, cạn vốn, thu hẹp sản xuất, phá sản… Nợ BHXH bắt đầu gia tăng mạnh từ đầu năm 2012 đến nay, nợ phát sinh trong vòng 6 tháng trở lại đây chiếm đến gần 80% tổng số nợ và việc thu hồi nợ cũng gặp khó khăn hơn. Hiện, nợ nhiều nhất vẫn nằm ở nhóm các ngành xây dựng và bất động sản.
Hàng ngàn người lao động đang gặp khó khăn trong việc hưởng trợ cấp thất nghiệp do DN “trốn” đóng BHXH. (ảnh chụp tại Trung tâm đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh). |
Nhiều BHXH quận, huyện cũng đang gặp khó khăn trong việc quản lý, nắm bắt những DN phá sản, ngưng hoạt động... Bà Vương Thị Kim Oanh, Giám đốc BHXH quận Bình Thạnh, thừa nhận: “BHXH quận hoàn toàn không biết, đồng thời cũng không quản lý hết số DN ngưng hoạt động, phá sản”. Còn ông Nguyễn Văn Hết, Giám đốc BHXH quận 12 cũng nhận xét: “Trong 6 tháng đầu năm 2012, có 20 DN tại quận 12 ngưng hoạt động với số tiền nợ BHXH gần 1 tỷ đồng... Tuy nhiên, số liệu DN ngưng hoạt động trên địa bàn chưa phải là con số thực, có thể cao hơn con số trên. Thế nhưng, quận cũng đang gặp khó khăn để xác minh số lượng DN đã ngưng hoạt động vì nhân lực yếu và liên kết giữa các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo”.
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, BHXH đã làm thủ tục khởi kiện ra tòa các DN nợ, “trốn” đóng BHXH để đòi quyền lợi cho người lao động. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2012, BHXH TP.HCM đã khởi kiện 97 DN với số tiền là 42,2 tỷ đồng, nhưng chỉ thu hồi được 11,22 tỷ đồng. Tính từ năm 2008 đến tháng 5/2012, trên địa bàn thành phố có 517 DN bị khởi kiện với số tiền là 221,6 tỷ đồng và thu hồi được số tiền 111,6 tỷ đồng (đạt 50%), 50% còn lại không thể thu hồi được vì chờ tòa xử, chờ thi hành án và DN bỏ trốn… Việc kiện DN nợ BHXH cũng khá suôn sẻ, tuy nhiên quá trình thi hành án còn gặp nhiều khó khăn, vì nhiều DN nợ BHXH đã thế chấp hết tài sản cho ngân hàng vay vốn, thậm chí có không ít DN không còn tài sản để thi hành án... Ngoài ra, thời gian tố tụng kéo dài cũng làm cho số nợ BHXH của DN tiếp tục phát sinh ngày càng lớn, đến khi tuyên xử thì DN đã mất khả năng thanh toán. Theo ông Sang, việc đòi nợ đối với những DN nợ BHXH đang hoạt động khả thi hơn so với những DN đã đóng cửa, bởi khả năng “mất trắng” là khá cao.
Tuy vậy, để giải quyết tình trạng các DN nợ đọng BHXH, ông Cao Văn Sang cho biết, BHXH sẽ tiếp tục khởi kiện các đơn vị nợ đọng BHXH lớn kéo dài, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thi hành pháp luật địa phương từ khâu tổ chức thu, kiểm tra, xử phạt, khởi kiện và thi hành án nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết